Thông tin đáng quan tâm đã được đưa ra tại toạ đàm “Bất động sản dòng tiền cash - home: Phân khúc căn hộ dẫn dắt thị trường Hà Nội năm 2024” diễn ra chiều 24/4, là phân khúc căn hộ chung cư ở Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong những năm gần đây.
Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp. Giá bán tại thị trường thứ cấp của chung cư Hà Nội trong quý đầu năm ghi nhận tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng theo năm cao nhất từ trước tới nay.
QUAN NIỆM VÀ HÀNH VI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐÃ THAY ĐỔI
Đặc biệt, sau khi Luật Nhà ở 2023 điều chỉnh quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, căn hộ 50 năm tại thị trường Hà Nội cũng bất ngờ được “săn đón”, do có giá bán phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều người.
Nói về xu hướng này, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc EximRS, phân tích: thực tế, tại các thành phố lớn, các bất động sản có vị trí thuận lợi luôn đạt tỷ lệ lấp đầy rất cao. Với những người trẻ hiện nay, họ không nặng về tư duy sở hữu mà quan tâm nhiều đến công năng sử dụng của căn nhà. Do đó, họ thường chọn mua hoặc thuê chung cư có chất lượng tốt tại những vị trí gần trung tâm, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, “khẩu vị” của người mua giờ cũng thay đổi nhiều, thay vì mua nhà để ở, để làm tài sản tích luỹ…, nhiều người đã chuyển sang mua để cho thuê, nhằm tạo dòng tiền ổn định hàng tháng. Vì thế, họ sẵn sàng lựa chọn mua căn hộ 50 năm.
“Theo khảo sát khi chúng tôi đưa ra bảng đánh giá khách hàng, thì hơn 60% người mua cho biết có nhu cầu cho thuê sau khi nhận bàn giao nhà. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư cũng đang chú trọng phát triển căn hộ cash – home, loại hình nhà ở tạo dòng tiền để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, bà Tú nhận định.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam, chia sẻ thêm: "Loại hình nhà ở cash - home hiện rất được quan tâm, bởi giá bán thường thấp hơn khoảng 20% so với căn hộ sở hữu lâu dài cùng khu vực và phân khúc, trong khi công năng sử dụng như nhau, có cùng thiết kế, cùng mức đầu tư… Hơn nữa, dòng sản phẩm này có thể đưa vào khai thác cho thuê luôn, ngay khi nhận nhà (qua hình thức ký hợp đồng với đơn vị vận hành), mà vẫn có khả năng tăng giá, lại dễ thanh khoản khi cần.
CÓ NÊN MUA CHUNG CƯ TẠI DỰ ÁN CHƯA HOÀN THIỆN PHÁP LÝ?
Tại toạ đàm, nhiều người đặt câu hỏi trong bối cảnh giá chung cư liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở mức rất cao, thì có nên xuống tiền mua sản phẩm ở các dự án chung cư chưa hoàn thiện pháp lý?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, bày tỏ quan ngại khi giá chung cư tại Hà Nội tăng nhanh một cách bất thường. Theo ông Lượng, trong khoảng 20 năm qua, phân khúc chung cư gần như “đứng im”. Thời gian trước, người ta không hào hứng mua chung cư do sợ tính pháp lý yếu, kém an toàn, dễ xuống cấp sau khi đưa vào sử dụng…, nên chủ yếu là mua để ở, chỉ có khoảng 15% là để kinh doanh và cho thuê. Nhưng gần đây, giá bán chung cư nhiều nơi tăng theo cấp số nhân.
Ví như các dự án chung cư ở ngoại giao đoàn trước chỉ tầm 25- 35/m2, giờ tăng lên xấp xỉ 100 triệu/m2, có toà giá còn cao hơn. Điều đó cho thấy quan niệm, hành vi của người mua nhà giờ đã thay đổi nhiều. Với các quy định ngày càng chặt chẽ, công nghệ xây dựng ngày càng hiện đại, chất lượng xây dựng các chung cư cũng tốt hơn, người mua chọn chung cư dựa trên tiện ích và khả năng tạo ra dòng tiền bằng cách cho thuê lại. Mua để cho thuê cũng là hình thức đầu tư an toàn và là xu hướng của thị trường, bởi chúng ta nhìn ra nước ngoài, loại hình căn hộ chung cư cho thuê rất phổ biến.
“Còn với việc nhiều người băn khoăn có nên mua bất động sản đang vướng pháp lý nhưng giá thấp, tôi cho rằng tuỳ theo cách đánh giá, nhìn nhận của mỗi người, họ sẽ có sự so sánh, cân nhắc giữa các dự án để đưa ra quyết định. Nhưng theo tôi, nếu dự án vướng về pháp lý mà chưa được tháo gỡ thì có thể đầu tư, còn vướng vì vi phạm quy định pháp luật thì không nên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, quả quyết rằng với những dự án đang vướng pháp lý thì nhất định không nên mua, vì trong bối cảnh hiện nay, việc khó tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án (ví như vướng mắc trong xác định tiền sử dụng đất, vướng về quy hoạch…) vẫn rất khó.
“Nhà đầu tư cần bình tĩnh chờ đợi, trong tương lai gần, khi các Luật mới có hiệu lực, có thể tháo gỡ cho nhiều dự án, giúp tăng nguồn cung trên thị trường. Khi nguồn cung tăng, giá chung cư sẽ giảm, tuy không giảm sâu nhưng sẽ ổn định hơn. Do đó, nhà đầu tư cũng như người mua để ở cần cẩn trọng xem xét tính pháp lý, uy tín của chủ đầu tư, tính đồng bộ của hạ tầng khu vực dự án, và chỉ nên mua sản phẩm có giá bán phù hợp”, ông Đính khuyến cáo.