Hôm nay bận không giao dịch, thị trường xấu như dự tính, khi còn rất nhiều người coi hồi lên là cơ hội để bán giá tốt. Thị trường phái sinh chiết khấu cả ngày và đến cuối phiên chiều thì chấp nhận âm hơn 21 điểm.
Mức chênh lệch càng rộng càng phản ánh nhu cầu đóng vị thế cắt lỗ cũng như phòng vệ cho mớ cổ phiếu đang kẹt. Điều này không có gì khó đoán khi nhìn sang thị trường cơ sở, với chỉ số đang khiến nhiều người bối rối.
Thị trường cơ sở đã khiến nhà đầu tư cầm cổ thua thiệt nhiều hơn vẻ bề ngoài. Hôm nay tuy VNI giảm 2,62%, VN30 giảm 2,02%, nhưng so với cổ phiếu chưa là gì. Đơn giản vì những phiên trước cổ phiếu đã giảm giá rồi, phiên hồi cuối tuần trước không có gì khác ngoài giảm bớt nỗi đau. Thế nhưng mức giảm hôm nay khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Lấy ví dụ VN30, mức giảm hôm nay chưa phá vỡ biên độ vùng đỉnh, nhưng hàng loạt mã trong rổ này đã phá đáy tuần trước. Những cổ phiếu dẫn dắt và tạo cảm hứng như VIC đều quay đầu giảm mạnh. Nếu các trụ cột không còn nâng đỡ chỉ số, tình trạng hốt hoảng sẽ gia tăng. Điều này có thể thấy khá rõ từ độ rộng hôm nay quá kém.
Rất nhiều cổ phiếu khác khi chỉ số tăng hoặc được neo giữ thì chỉ đi ngang yếu, thậm chí giảm sớm. Lúc này thị trường phát tín hiệu xấu qua chỉ số, đà giảm lập tức tăng quán tính. Mặt khác, hôm nay thị trường hoàn toàn vận động trên cơ sở cung cầu mà không chịu chi phối gì từ thông tin. Điều đó hàm ý rằng áp lực bán đang gia tăng.
Một thực tế là khi thị trường được bắt đáy nảy lên, nhà đầu tư có khuynh hướng margin hoặc quay lại mua lướt một phần danh mục. Điều này rất dễ trở thành cái bẫy tâm lý vì trừ phi xác định đánh T+1 hoặc T+0, đây chỉ là hình thức “cưa chân bàn” và đẩy tất cả danh mục trương phình lớn hơn và làm gia tăng mức lỗ.
Hiện tượng nâng đỡ chỉ số duy trì trạng thái đi ngang cũng tạo vẻ ngoài mạnh mẽ cho thị trường, vì đa số vẫn đánh giá thị trường qua chỉ số. “Liều thuốc giảm đau” này tạo hi vọng và khiến nhà đầu tư quên mất rằng sức nặng của đòn bẩy được tính trên giá cổ phiếu chứ không phải chỉ số. Thậm chí ngay cả khi VNI điều chỉnh ngắn thì cổ phiếu hoàn toàn có nguy cơ sụt giảm lớn hơn khả năng chịu đựng của tài khoản.
Yếu tố hỗ trợ thị trường cũng đang giảm đi nhiều. Ban đầu chỉ là sự lãnh cảm với thông tin, kế tiếp sẽ là hiện tượng phản ứng ngược khi tin tốt lại khiến giá giảm. Kết quả kinh doanh có thể khẳng định đã hết hiệu lực. Vùng trống thông tin phía trước là một rủi ro không nhỏ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Dòng tiền giảm hôm nay và đã xuống dưới 17k tỷ khớp lệnh sàn HSX. VN30 tụt xuống dưới 10k tỷ. Rõ ràng là hệ thống được tăng tải đã xác nhận nguy cơ dòng tiền đạt đỉnh. Nhà đầu tư lúc này mua bán hoàn toàn bình thường, nhưng thị trường đã không thể hút tiền thêm được. Những người chốt lời sẽ quan tâm tới việc bảo toàn vốn, dẫn tới vòng quay tiền ngày càng dài ra và lượng tiền sẵn sàng mua ngắn hạn giảm xuống.
Thị trường phái sinh đang duy trì basis âm với F1 sang phiên thứ 4 liên tục. Chênh lệch ngày càng rộng. Thanh khoản vẫn đang duy trì rất cao, khoảng 34,1k tỷ giá trị danh nghĩa. Ngay cả khi coi nhịp giảm này là ngắn hạn thì nhà đầu tư cầm cổ vẫn có thể giảm thiệt hại bằng cách phòng vệ Short trên thị trường phái sinh. Đây không phải là câu chuyện “diệt Short” hay “diệt Long”, mà là cân bằng rủi ro. Vì vậy ngay cả khi cuối tuần trước thị trường bật lên rất khá, F1 vẫn duy trì mức basis âm.
Với hiện tượng thua lỗ ngày càng tăng ở cổ phiếu, thị trường sẽ gia tăng thêm áp lực cắt lỗ, thậm chí là callmargin trong những phiên tới. Nhịp giảm này là hiện tượng tự cân bằng của thị trường, khi đã có một lượng quá lớn tiền ngập vào cổ phiếu. Thị trường cần phải xác nhận rằng liệu lượng tiền đó có tạo được mặt bằng giá mới, hay vẫn chỉ là kết thúc một chu kỳ tích lũy, phân phối.
"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.