January 12, 2021 | 17:27 GMT+7

Blog chứng khoán: OI và basis kỷ lục, phái sinh đang say đòn?

iTrader

Hơn 50 ngàn hợp đồng mở và basis gần 23 điểm ở hợp đồng F1 là kỷ lục chưa từng thấy trên thị trường phái sinh

Hơn 50 ngàn hợp đồng mở và basis gần 23 điểm ở hợp đồng F1 là kỷ lục chưa từng thấy trên thị trường phái sinh.

Hôm nay bận không giao dịch trong khi có khá nhiều Setup Short tốt. Thị trường phái sinh đang tách khỏi thị trường cơ sở ở mức độ chưa từng có và biến động giá các hợp đồng hoàn toàn là do co dãn basis mang tính cung cầu chứ không bám theo biến động của VN30. Ví dụ nhịp giảm ở F1 nửa sau buổi chiều ngược hoàn toàn chiều hôm qua, dù cả hai thời điểm VN30 đã đóng băng.

Mức chênh lệch basis quá rộng và số lượng hợp đồng mở (OI) lên trên 50k cho thấy hoặc là nhà đầu tư đang kỳ vọng quá cao và đặt cược vào hiện tượng nghẽn hệ thống, hoặc các tay chơi đang say đòn. Vì phái sinh là mỗi bên Long có một bên Short nên phải có một phía thiệt hại. Trừ các giao dịch daytrade thì nếu giữ Short qua đêm, thiệt hại đang gia tăng từng ngày.

Liên tục gần 2 tuần nay hệ thống giao dịch tạo nên hiện tượng lặp đi lặp lại là thị trường cơ sở đóng băng ở mức tăng buổi chiều và sáng hôm sau tăng bù. Đây là lý do chính khiến bên Long chấp nhận mức basis trong ngày rộng như vậy, vì họ cho rằng basis sẽ được bù lại ở phiên kế tiếp. Như vậy cơ sở của chiến lược giao dịch là dựa trên giả định thị trường sẽ duy trì trạng thái hiện tại. Đây là một sự kỳ quặc, dù rằng vẫn đem lại hiệu quả ít nhất tới thời điểm này.

Thị trường cơ sở đang trong trạng thái chênh lệch cung cầu giống như thời điểm 2006 dù nguyên nhân khác nhau. Hồi 2006 là do hàng hóa quá ít trong khi tiền vào quá nhiều. Lúc này tiền cũng vào nhiều nhưng hàng không ít. Hệ thống giao dịch bị giới hạn khiến hàng bán không thoải mái nên trong tương quan với tiền mua thì là ít.

Lúc này thị trường đang tăng nên nhà đầu tư có thể xem việc nghẽn hệ thống như một trò vui có thưởng, vì đang được lãi hàng ngày. Tuy nhiên nếu tình huống ngược lại, đó sẽ là một thảm họa. Khi đang thắng thì không ai nghĩ tới việc "chia sẻ" lãi cho hệ thống, nhưng khi mắc kẹt thì chắc chắn sẽ nghĩ tới việc kiện hệ thống!

Xu thế tăng kỳ quặc này sẽ kéo dài mãi? Không ai dám chắc, nhưng hệ thống mới đưa vào hoạt động thì phải tính bằng năm. Nghĩa là xu thế tăng sẽ kéo dài cả năm nữa? Lựa chọn giải pháp không có nhiều vì kể cả khi co ngắn thời gian giao dịch lại cũng chỉ là đẩy sớm hơn thời điểm nghẽn mà thôi vì cách này không làm giảm tổng cầu. Tiếp tục tăng lô giao dịch nghĩa là loại bỏ một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ và điều này tạo phản ứng xấu. Cách nữa là đánh thẳng vào lợi ích, làm tăng chi phí giao dịch bằng cách mở rộng bước giá. Các hệ thống giao dịch tự động sẽ phải cân nhắc vì spread càng rộng thì càng tốn kém. Tuy nhiên HSX đã từng bước qua nhiều rào cản để thu nhỏ bước giá thì việc quay lại bước giá lớn hơn giống như cách các sàn Fx "luộc" nhà đầu tư vậy, chưa kể VN30 sẽ có biến động nhanh hơn nhiều, ảnh hưởng tới thị trường phái sinh.

Hôm nay thời điểm HSX nhè lệnh không sớm hơn mọi ngày nhưng lại ở ngưỡng thanh khoản khá thấp. Sàn này khớp mới khoảng 14,6k tỷ đã nghẽn. Đầu lệnh khoảng 613,9k và trung bình lệnh bán cao hơn 25,4% so với trung bình lệnh mua. Hệ thống kiểu này rất khó giao dịch vì không biết lúc nào sẽ tới điểm nghẽn.

VN30 dừng hôm nay ở 1.169,03 điểm. Cản trước mắt là 1174-1175; 1181; 1186-1188. Hỗ trợ 1168; 1164; 1159-1158.

Blog chứng khoán: OI và basis kỷ lục, phái sinh đang say đòn? - Ảnh 1.

F1 hoàn toàn tách khỏi VN30, chỉ co dãn basis trong phiên.

"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate