October 22, 2024 | 16:50 GMT+7

Blog chứng khoán: Rào rào cắt lỗ

iTrader -

Một đợt cắt giảm danh mục dồn dập đã đẩy dao động lên cao trong phiên chiều nay. Đây có thể là sự cộng hưởng cả sức ép bảo toàn lợi nhuận lẫn cắt lỗ ngắn hạn. Thanh khoản lên cao nhất trong hơn 2 tuần do tốc độ giao dịch rất nhanh và nhiều lệnh treo mua ở vùng giá thấp được chạm tới...

VN30-Index.
VN30-Index.

Một đợt cắt giảm danh mục dồn dập đã đẩy dao động lên cao trong phiên chiều nay. Đây có thể là sự cộng hưởng cả sức ép bảo toàn lợi nhuận lẫn cắt lỗ ngắn hạn. Thanh khoản lên cao nhất trong hơn 2 tuần do tốc độ giao dịch rất nhanh và nhiều lệnh treo mua ở vùng giá thấp được chạm tới.

Phiên giảm hôm qua phát tín hiệu VNI có nguy cơ gãy kênh xu hướng tăng ngắn hạn kéo dài từ đầu tháng 8 và nhịp lao dốc chiều nay xác nhận rủi ro tăng vọt. 3 phiên giảm liên tiếp sau hai tuần dao động phập phù khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu đi. Các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật bắt đầu “tuân thủ kỷ luật”!

Việc mở biên độ giảm khiến nhiều cổ phiếu cũng xấu hơn đáng kể, phá vỡ nền tích lũy hoặc thủng ngưỡng hỗ trợ. Điều này có thể thúc đẩy áp lực bán ra nhiều hơn trong các phiên tới. Dòng tiền bắt đáy phiên này cũng hoạt động mạnh hơn nhưng chưa đem lại hiệu quả phục hồi nào rõ rệt.

Thị trường cần nhìn thấy tiền vào nâng đỡ tốt hơn trong các phiên tới hoặc áp lực bán giảm đi. Không phải yếu tố thông tin bất lợi về cơ bản, thị trường chỉ đang thay đổi tương quan cung cầu trong diễn biến tăng giảm bình thường. Ngoài yếu tố tỷ giá và Ngân hàng nhà nước hút tiền về, mặt bằng thông tin không có gì mới. Thực tế đợt hút tiền này cũng không có gì đặc biệt, còn xa mới bằng giai đoạn tháng 3 tới tháng 7 vừa rồi. Trong khi đó bối cảnh lúc này lại mạnh hơn khi xuất khẩu tích cực và tháng 11 tới FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Yếu tố thông tin này chỉ là cái cớ để giải thích một hiện tượng thị trường.

Hiện rủi ro trong ngắn hạn đang gia tăng và hoạt động đầu cơ không có hiệu quả, do đó chỉ nên ưu tiên nắm giữ cổ phiếu dài hạn với tỷ trọng trung bình. Kết quả kinh doanh quý 3 đang mất dần hiệu lực trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ là nền tảng tốt trong trung hạn, ít nhất là quý 4. Lúc này tùy từng cổ phiếu để có chiến lược giao dịch khác nhau, nhưng điểm chung là nên hạn chế rủi ro bằng cách co gọn danh mục lại. Cân bằng tâm lý là rất quan trọng trong quản lý danh mục vì đa số hành động sai lầm thường đến từ những quyết định cảm tính tại một thời điểm do sợ hãi hoặc tham lam. Việc tuân thủ kỷ luật trên lý thuyết rất dễ nói, nhưng hành động thì khó hơn nhiều vì sách vở không bao gồm “biến số” tâm lý khi ra quyết định, nhất là khi chết chìm trong đủ loại thông tin trên hội nhóm, diễn đàn.

Phái sinh hôm nay là một công cụ tốt để giảm rủi ro, nhất là khi F1 vẫn duy trì basis dương khá rộng. VN30 tạo 3 đỉnh intraday quanh 1358.xx. Hai lần đầu đều không thuận lợi dù basis là phần bù rủi ro tốt. Lần thứ 3 thì thành công vì có yếu tố ép trụ mạnh mẽ. Thanh khoản trên thị trường phái sinh bắt đầu tăng trở lại và khả năng cao còn tiếp tục tăng khi các giao dịch đầu cơ chuyển sang kênh này vì cơ sở khó kiếm ăn hơn.

Blog chứng khoán: Rào rào cắt lỗ - Ảnh 1

Với việc VNI gãy kênh xu hướng tăng và các tín hiệu kỹ thuật xấu đi, áp lực bán dự kiến sẽ còn tăng và các nhịp hồi bị hạn chế về biên độ. Chiến lược là Long ngắn Short dài, ưu tiên Short. Tuy nhiên chú ý khả năng đẩy trụ trở lại.

VN30 chốt hôm nay tại 1348.92, ngay tại một mốc. Cản gần nhất ngày mai là 1359; 1368; 1375; 1380. Hỗ trợ 1341; 1333; 1326; 1317.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate