Một số mã dẫn dắt bị chốt lời ngắn hạn hôm nay và lùi giá, tạo áp lực rung lắc trong phiên. Diễn biến này không có gì bất ngờ vì cường độ tăng nhanh trong vài phiên không bị chốt mới lạ. Khả năng vượt qua các rung lắc ngắn này sẽ quyết định cơ hội đi tiếp để kiểm định lại đỉnh 2023 của các chỉ số.
Điểm tốt là những nhịp rung trong phiên không làm tổn thương quá nhiều đến giá. Rất nhiều mã có được lựa cầu tốt nâng đỡ và phục hồi dần về cuối phiên. Dĩ nhiên vẫn có nhiều mã bị xả mạnh và giảm sâu, nhưng tổng thể cơ hội vẫn khá dồi dào, miễn là linh hoạt vị thế cũng như chọn đúng cổ phiếu.
Việc quan sát giao dịch trong phiên đóng vai trò quan trọng nhất lúc này, nên cảm nhận nhu cầu bán ra và bắt đáy của mỗi bên. Mức độ rủi ro ở các cổ phiếu là khác nhau, nhất là với nhóm chưa tăng nhiều hoặc đang trong vùng tích lũy. Khi chốt lời thường sẽ có hai dạng, bán chủ động từng món theo khoảng giá ở chiều tăng và bán bị động khi thấy giá suy yếu. Lực đỡ dày ở vùng giá nào, bán suy giảm ở vùng giá nào cũng đem lại nhiều thông tin, vì chắc chắn sẽ có hiện tượng trading nhanh trong các phiên như thế này.
Do nhiều người vẫn hay quan sát index để giao dịch nên chỉ số càng tiến gần đến vùng kháng cự kỹ thuật càng dễ có rung lắc. Nhìn vào nhịp tăng dài, điều chỉnh nhỏ ở chỉ số và lên sát đỉnh cũ, các chỉ báo kỹ thuật quá mua báo động, tâm lý dò đỉnh sẽ xuất hiện. Do đó khi rung lắc, áp lực bán yếu ở vùng giá thấp đối với cổ phiếu cụ thể hoặc có cầu bắt đáy nhiều, nghĩa là nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu đó hơn là index, hoặc ít nhất là kỳ vọng vẫn còn cao.
Trong vài phiên tới các trụ dẫn có khả năng xuất hiện lực cầu mua lại ở vùng giá thấp hơn. Dòng tiền vẫn đang vào rất ổn, muốn rút ra cũng cần có thời gian. Thanh khoản khớp lệnh HSX và HNX hôm nay khoảng 21,7k tỷ, duy trì mức trên 20k tỷ sang phiên thứ 3 liên tiếp. Ở hai đỉnh hồi tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, giao dịch trung bình khoảng 26-27k tỷ/phiên và nhiều phiên trên 30k tỷ. Mức giao dịch 3 ngày qua khoảng 22,3k tỷ/phiên chưa phải là đột biến.
Hiện tại các cổ phiếu còn dư địa tăng so với các mốc kháng cực cơ bản và có dòng tiền tốt thì vẫn nên nắm giữ, nếu nhanh nhẹn có thể tranh thủ trading. Tuy nhiên cũng chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu tổng thể ở mức trung bình. Việc Index duy trì được biên độ tăng giảm hàng ngày nhỏ là tốt hơn việc tăng mạnh, điều này phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa các trụ. Nếu các mã lớn như VIC, VHM, GAS, VNM… vẫn còn khỏe thì không lo, nhưng nếu sự điều chỉnh phối hợp khiến điểm số mất quá nhiều thì chắc chắn tâm lý sẽ lung lay.
Thị trường phái sinh cũng đang đồng thuận với sự thận trọng về rủi ro ở nhóm dẫn dắt VN30. Hôm nay các nhịp VN30 tăng intraday F1 thậm chí chiết khấu. Thanh khoản tăng hoảng 46% so với hôm qua, OI tăng, basis âm cho thấy đang có hiện tượng xây dựng vị thế Short. Điều này cũng là hợp lý nếu giữ vị thế dài vì độ phân hóa ở cổ phiếu trong VN30 không đủ làm gia tăng biên độ ở chỉ số. Tuy nhiên nếu trading thì nên linh hoạt Long/Short, vì các trụ vẫn có thể mạnh lên trong ngắn hạn hoặc trong từng thời điểm của phiên.
VN30 chốt hôm nay tại 1242.08. Cản gần nhất ngày mai là 1249, 1256, 1261, 1266, 1272, 1278. Hỗ trợ 1240, 1233, 1228, 1222, 1219, 1210.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.