Diễn biến giao dịch quan trọng nhất hôm nay là nhịp trượt khá mạnh nửa sau phiên chiều. Tính chất của hành động bán khá giống so với nhịp ép giá trong các phiên trước, vẫn là hành động của các mã trụ.
Thị trường có 4 phiên đi ngang cuối tuần này và đều có một đợt trượt dốc intraday. Biên độ về cơ bản là tương đương, hôm 12/10 biên dao động tối đa trên VNI khoảng 0,8%, hôm 13/10 là 0,79%, hôm qua là 0,69% và hôm nay khoảng 0,79% từ đỉnh.
Mức biến động này không lớn nhưng khá bất ngờ không có tín hiệu báo trước nào, chẳng hạn từ từ đi ngang yếu dần, mà đều đảo chiều ngay lập tức. Điểm chung thứ nhất là VNI đều liên tiếp test ngưỡng 1400 điểm rồi mới xuất hiện một nhịp giảm. Kiểu giao dịch như vậy tạo cảm giác có một lực canh xả thường trực quanh mốc này.
Điểm chung thứ hai là hành động chính đến từ các cổ phiếu có khả năng điều tiết chỉ số như VHM, VIC, VNM, VCB. Nếu quan sát trên khung thời gian ngắn, ví dụ 5 phút, có thể thấy sự tương đồng đáng kể của diễn biến giá lẫn thời điểm và VNI.
Điểm chung thứ 3 là độ rộng ở cổ phiếu chịu sức ép và thu hẹp lại nhưng sau đó vẫn duy trì được mức độ cân bằng phân hóa tốt.
Hệ quả của các nhịp giảm trong 4 phiên này không làm tổn hại nhiều đến giá cổ phiếu, mức độ giảm cụ thể vẫn chỉ trong giới hạn dao động thông thường. Tuy nhiên thanh khoản đều chiếm tỷ trọng khá cao (trong thanh khoản cả phiên) ở các nhịp giảm intraday.
Rất có thể thị trường đang thật sự có một lượng cổ phiếu lỏng lẻo tiền ẩn quanh vùng cản 1.400 điểm, hoặc quan điểm của người cầm cổ suy nghĩ như vậy. Cần phải thấy rằng mốc 1.400 điểm chỉ liên quan đến chỉ số, không liên quan nhiều đến cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có một ngưỡng riêng, nhưng khi thị trường chung rung lắc mạnh và trượt giảm, sức ép tâm lý vẫn tăng lên.
Trong 4 phiên này thanh khoản đều tăng dần, hai phiên cuối tuần mức khớp trên HSX đều khoảng 20,5k tỷ. Kiểu giao dịch này đã được đề cập đến từ mấy hôm nay, khả năng cao sẽ diễn ra như vậy và điều cần quan sát là áp lực chiều bán xuống và mức độ giữ giá hồi lại như thế nào. Một quán tính giảm lớn, không có hồi và bán tháo là không tốt. Biên độ của 4 phiên vừa qua chưa đến mức cần lo lắng.
Lượng hàng lỏng lẻo ở vùng gần đỉnh cũ luôn có nguy cơ lớn tạo gánh nặng cho kịch bản tăng cao hơn. Nếu thị trường đang rung lắc để rũ ràng, đó sẽ là một tín hiệu tốt.
Kịch bản xấu hơn là thị trường thật sự có lực cản. Tuy nhiên nếu biên độ không rộng hơn thì chưa phải là điều cần lo. Bán kiểu chọn giá như vậy thì tức là muốn bán tiếp và cầu vẫn đang trung hòa được khối lượng.
Nói tóm lại thị trường cơ sở vẫn còn thời gian chờ một màn khởi nghĩa của các cổ phiếu lớn. Tuần tới có thể là giai đoạn quan trọng để đánh giá kết quả kinh doanh có tạo được tâm lý hào hứng cần thiết hay không. Giao dịch trung bình của HSX (không tính thỏa thuận) xấp xỉ 20k tỷ/ngày tuần này cũng không tệ. Các trụ sẽ là cổ phiếu tín hiệu cần quan sát chặt. Bất kỳ biến động nào được kích hoạt từ diễn biến giao dịch nhóm này cũng có thể đánh giá liệu có gây hại thật sự hay không.
Thị trường phái sinh sang tuần sẽ đáo hạn F1 và cơ hội tăng vẫn lớn hơn giảm, nhất là khi các trụ chưa được sử dụng. Basis F1 phiên này từ chỗ thể hiện kỳ vọng cao đã chuyển sang thận trọng. Với basis chặt như vậy thì có thể Long/Short linh hoạt bám sát VN30.
VN30 chốt hôm nay tại 1504.84. Cản gần nhất là 1506; 1512; 1518; 1521; 1524; 1531; 1536; 1541. Hỗ trợ 1502; 1494; 1489; 1483; 1477.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.