Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen không có kế hoạch nối lại đối thoại kinh tế thường kỳ Mỹ-Trung, một trụ cột của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thời hai tổng thống George Bush và Barack Obama.
Điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tiếp nối sự cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump trong quan hệ với Bắc Kinh.
Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan hữu quan khác của Mỹ vẫn duy trì liên lạc với đối tác Trung Quốc, nhưng ở thời điểm hiện tại chưa có kế hoạch tái khởi động đối thoại kinh tế cấp cao chính thức. Đối thoại kinh tế Mỹ-Trung đã bị dừng từ thời ông Trump, khi hai nước sa vào một cuộc chiến thương mại đến nay chưa có hồi kết.
Từ khi lên cầm quyền, ông Biden đã cho thấy một lập trường cứng rắn với Trung Quốc, dù giới quan sát trước đó kỳ vọng vị Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ sẽ mềm mỏng và dễ đoán hơn trong quan hệ Mỹ-Trung so với ông Trump. Việc Nhà Trắng đến hiện tại chưa có một kế hoạch nào cho việc nối lại đối thoại kinh tế cấp cao một lần nữa cho thấy mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi.
Trong những ngày gần đây, Mỹ còn có một loạt động thái phản ánh chủ trương của ông Biden về sự tiếp nối thậm chí tăng cường sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc. Những động thái đó bao gồm cảnh báo doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông, đưa ra biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với vùng Tân Cương, và thảo luận về một thoả thuận thương mại số không có sự tham gia của Trung Quốc.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng chiến lược của Washington là phản ứng với điều mà họ cho là sự cứng rắn của Trung Quốc. Lập trường này có thể đặt ra những lựa chọn khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp bị mắc kẹt giữa cuộc đối đầu Mỹ-Trung, cuộc đối đầu mà chính ông Biden đã miêu tả là trận chiến định hình thế kỷ 21, theo Bloomberg.
“Thực lòng mà nói, đó là một sai lầm”, ông Max Baucus, một cựu thượng nghị sỹ Dân chủ và là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc thời Tổng thống Obama, nói với Bloomberg Radio. “Chúng ta đang phạm vào một sai lầm vì không tìm ra một phương thức để giải quyết tốt đẹp và thận trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Càng đi theo hướng phân ly, chúng ta càng có nguy cơ lún sâu hơn vào những rắc rối”.
Hôm thứ Hai tuần này, bà Yellen nêu tên Trung Quốc trong số những quốc gia mà Mỹ cho là gây tổn hại cho “trật tự quốc tệ dựa trên nguyên tắc” được xây dựng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với những cái tên khác được đề cập là Nga và Belarus. Tuyên bố này được bà Yellen đưa ra sau một cuộc họp bộ trưởng nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) mà đoàn Trung Quốc tham dự từ xa.
Phát biểu trước các bộ trưởng tài chính châu Âu tại Brussels, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Trung Quốc có “những hành vi kinh tế không bình đẳng và lạm dụng nhân quyền”.
Thời Tổng thống Bush, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khi đó là ông Henry Paulson đã mở Đối thoại Kinh tế chiến lược với Trung Quốc. Trong khuôn khổ này, bộ trưởng bộ tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương, các quan chức bộ ngoại giao và các quan chức cấp cao khác của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau mỗi năm hai lần. Đối thoại này được duy trì dưới thời Tổng thống Obama và được đổi tên là Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED).
Dù chưa mang lại được cú đột phá chính sách nào, đối thoại kinh tế Mỹ-Trung được xem là một dấu hiệu quan trọng của tinh thần hợp tác song phương. Hai bên đã thay nhau làm chủ nhà của các cuộc gặp gỡ và sau mỗi lần gặp đều ra tuyên bố chung và có những bức ảnh chụp chung thân mật.
Chính quyền ông Trump dừng khuôn khổ đối thoại này vào năm 2018, sau khi cuộc gặp vào năm 2017 tại Mỹ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khi đó là ông Steven Mnuchin không thể đi đến một tuyên bố chung.
“Có cảm giác S&ED chỉ là một chiến thuật đóng băng, mà lợi ích là Trung Quốc không phải thực hiện những thay đổi, vì họ cứ đàm phán mãi vậy thôi”, học giả Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.