February 15, 2023 | 16:58 GMT+7

Bloomberg: “Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch đầu tư thêm tiền cá nhân vào VinFast”

Hoàng Lâm

Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô VinFast cho biết, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có kế hoạch đầu tư thêm tiền cá nhân vào VinFast, ngay cả khi hãng xe điện Việt Nam bị chậm kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ và cắt giảm nhân sự.

Ông Phạm Nhật Vượng, người có giá trị tài sản ròng khoảng 4,1 tỷ USD, chủ tịch của Vingroup, Ảnh: Bloomberg.
Ông Phạm Nhật Vượng, người có giá trị tài sản ròng khoảng 4,1 tỷ USD, chủ tịch của Vingroup, Ảnh: Bloomberg.

VinFast được ông Vượng thành lập vào năm 2017 và tính đến tháng 9, các chủ sở hữu cùng bên cho vay của nhà sản xuất xe điện này đã đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD để tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn.

“Hiện tại, ông Vượng chưa có kế hoạch đầu tư cá nhân thêm vào VinFast”, CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết khi trả lời trên Bloomberg News.

VinFast đã lỗ 1,3 tỷ USD vào năm 2021 và gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng tính đến ngày 30 tháng 9/2022, theo một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của VinFast. Hồ sơ tháng 12 cũng cho biết công ty dự kiến ​​sẽ tiếp tục chịu lỗ hoạt động và lỗ ròng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, VinFast cho biết Vingroup đã phát hành thư hỗ trợ với nội dung “Vingroup có khả năng và sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính đủ để chúng tôi đáp ứng nhu cầu tiếp tục hoạt động”. Tài liệu cũng cho biết rằng VinFast sẽ “yêu cầu vốn bổ sung đáng kể”, dự kiến sẽ đến từ nguồn vốn vay và vốn chủ sở hữu cũng như nguồn vốn của các bên liên quan.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Qatar vào tháng 6 năm ngoái, bà Thủy cho biết VinFast sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ vào tháng 9 tới. Nhà máy thậm chí còn giành được lời khen ngợi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, người vào tháng 3 đã viết trên Twitter rằng đó là “ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế tại nơi làm việc của tôi”.

Bà Thủy cho biết trong tuần này rằng nhà máy đã “cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng” và VinFast đang “hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng”. Bà Thuỷ cho biết thêm VinFast vẫn đang trên đà bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại cơ sở ở Bắc Carolina vào năm 2024.

Việc xây dựng bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ càng mất nhiều thời gian để bắt đầu sản xuất xe điện tại địa phương ở Bắc Mỹ và để các phương tiện của họ đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp năng lượng sạch trị giá 7.500 USD/chiếc của chính quyền Biden.

Cho đến lúc đó, VinFast có kế hoạch sản xuất xe điện tại nhà máy ở Hải Phòng, và vận chuyển chúng đến Mỹ. Nhưng những đợt giao hàng đó đã bị dời lại từ mốc thời gian dự kiến là cuối năm 2022 sang nửa cuối tháng này.

Bà Thủy cho hay việc chậm giao hàng là do VinFast đang chờ chứng nhận từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ về việc tăng phạm vi lái xe của mẫu VF8, hiện là 333 km.

“Trong thời gian chờ đợi chứng nhận của EPA, VinFast vẫn tiếp tục cập nhật phần mềm để cải thiện trải nghiệm của người dùng”, CEO của VinFast thông tin.

VinFast đã cắt giảm khoảng 80 việc làm ở Bắc Mỹ, bao gồm cả giám đốc tài chính người Mỹ, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết hồi đầu tháng 2. Sự ra đi của Rodney Haynes, giám đốc tài chính của VinFast US, "không ảnh hưởng đến hoạt động của VinFast tại Mỹ hoặc toàn cầu", công ty cho biết.

Công ty mới nổi về xe điện của Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu xe mỗi năm vào năm 2026. Trong ba tháng tính đến ngày 31/12, VinFast đã giao hơn 4.900 xe điện. Điều đó mang lại tốc độ chạy hàng năm hiện tại dưới 20.000 đơn vị một năm. VinFast cũng coi tỷ lệ thâm nhập xe điện thấp ở Đông Nam Á là một “cơ hội”.

“Trước mắt chúng tôi chưa thể tiết lộ con số cụ thể nhưng VinFast đã giao hàng nghìn chiếc EV và có gần 70.000 xe đặt trước để sản xuất và giao cho khách hàng trong thời gian sớm nhất”, bà Thủy nói. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nhận đặt cọc VF5 và sẽ sớm mở đặt chỗ VF6 và VF7 trên toàn cầu với ngày giao hàng dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2023”.

Trước đó, vào cuối năm 2022, VinFast cho biết đã nộp một đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, bước chính thức đầu tiên hướng tới việc chào bán công khai vào năm 2023.

Xe điện VF8 của VinFast chuẩn bị xuất xưởng tai cảng Hải Phòng, Việt Nam, vào tháng 11 năm 2022. Ảnh: Bloomberg.
Xe điện VF8 của VinFast chuẩn bị xuất xưởng tai cảng Hải Phòng, Việt Nam, vào tháng 11 năm 2022. Ảnh: Bloomberg.

Citigroup Global Markets, Morgan Stanley, Credit Suisse và J.P. Morgan Securities là những ngân hàng dẫn đầu trong đợt chào bán của VinFast. VinFast sẽ giao dịch trên Nasdaq với ký hiệu “VFS” sau khi đợt chào bán hoàn tất. Công ty không cho biết họ hy vọng sẽ huy động được bao nhiêu tiền.

VinFast trở thành nhà sản xuất ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam khi bắt đầu sản xuất xe chạy động cơ đốt trong vào năm 2019. Hiện hãng tập trung hoàn toàn vào xe điện.

Tuy nhiên, xe VinFast hiện không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD tại Mỹ vì chúng không được sản xuất tại Mỹ mà được sản xuất tại Việt Nam. Giá cho mẫu xe VinFast VF 8 2023 bắt đầu từ 40.700 USD.

“Chúng tôi đang đẩy nhanh kế hoạch của mình cho nhà máy ở Bắc Carolina. May mắn thay, VinFast đã ký thỏa thuận đó trước Đạo luật giảm lạm phát (IRA)”, bà Thuỷ cho hay. “Chúng tôi không lường trước được điều đó nhưng chúng tôi đã có kế hoạch mở một nhà máy ở Mỹ, vì vậy IRA đã tăng cường khả năng sản xuất của chúng tôi để đảm bảo rằng khách hàng của tại Mỹ sẽ có thể tiếp cận với xe điện với mức giá hợp lý”.

Sau Mỹ, các thị trường tiếp theo mà VinFast dự kiến nhắm đến sẽ là châu Âu, cụ thể là Đức, Pháp và Hà Lan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate