May 11, 2021 | 15:43 GMT+7

Blue-chips bị đánh úp, hàng loạt mã tạo bull-trap lớn

Kim Phong -

Đà tăng rất hưng phấn hôm nay bất ngờ đảo chiều mạnh sau nửa cuối phiên chiều. Rất nhiều cổ phiếu lớn bị xả mạnh, đẩy VN-Index lao dốc hơn 1,3% từ đỉnh và cổ phiếu tạo bull-trap trong phiên trên 2% cả loạt...

Diễn biến VN-Index.
Diễn biến VN-Index.

Hai nhóm cổ phiếu tâm điểm gần đây là ngân hàng và thép đều hứng chịu áp lực chốt lời rất cao. Những cổ phiếu tiêu biểu của hai nhóm này cũng biến động rất mạnh. Mặc dù mới chỉ là điều chỉnh 1 phiên, nhưng những ai lỡ đu đỉnh thì cũng đã thiệt hại nặng.

Nếu tính về các mã kéo lùi VN-Index nhiều nhất thì ngân hàng chưa phải là nhóm gây áp lực nhất. VIC giảm 1,13%, VNM giảm 1,94%, VHM giảm 1,11% mới là những cổ phiếu lấy đi nhiều điểm. Tuy vậy ngân hàng lại là nhóm đảo chiều rất lớn.

Một số cổ phiếu ngân hàng đủ sức trụ lại trước áp lực bán cuối phiên để duy trì mức tăng so với tham chiếu. Có thể kể tới EIB tăng 3,21%, VIB tăng 3,9%, STB tăng 1,44%, VPB tăng 1,12%, BID tăng 1,69%. Còn lại các mã khác đều “nhào” xuống từ đỉnh cao. TCB đóng cửa giảm 2,29%, CTG giảm 1,34%, HDB giảm 2,6%, MBB giảm 1,51%, TPB giảm 0,32%, VCB giảm 0,2%.

Ngay cả những cổ phiếu còn đóng cửa trên tham chiếu cuối ngày thì đại đa số là cũng bị ép giá xuống đáng kể. Đối với các mã giảm đến mức đỏ thì chênh lệch trong phiên càng lớn. Chẳng hạn BID tuy chốt phiên xanh, nhưng nếu đu đỉnh nhà đầu tư đã lỗ trên 3,2%; STB lỗ 3,1%; HDB cũng lỗ 3,2%; MBB lỗ khoảng 2,1%; TCB lỗ 2,6%; TPB lỗ 3,7%...

Tuy vậy giao dịch ở một vài mã ngân hàng cũng rất ấn tượng khi có được dòng tiền mạnh mẽ nâng đỡ. VPB và STB duy trì thanh khoản lớn nhất nhóm ngân hàng, thậm chí ở Top 3 cả hai sàn, với 1.530 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng. VPB vẫn xuất sắc thiết lập đỉnh cao lịch sử, trong khi STB đã không thể vượt đỉnh tuần trước. Những mã ngân hàng còn lại càng không mạnh.

Cổ phiếu thép nổi bật với HPG giảm 1,59%, HSG giảm 3,7%. Tuy mức giảm rất mạnh nhưng cả hai mã này vẫn đang trên đường thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, nên phiên điều chỉnh chưa tổn hại gì tới xu hướng. Mặc dù vậy các thông tin kiềm chế giá thép có thể tạo nên phản ứng thận trọng từ phía nhà đầu tư.

Nhóm VN30 đóng cửa hôm nay chỉ còn 8 mã tăng và 21 mã giảm, trong khi giữa phiên chiều toàn bộ 30 mã đều tăng. VN30-Index lúc 1h35 chiều còn tăng 0,83% so với tham chiếu, nhưng đóng cửa thành giảm 0,84%. Rổ blue-chips này trong phiên thực tế là tăng với thanh khoản kém. Cả ngày ngưỡng giao dịch chỉ đạt 11.808,7 tỷ đồng khớp lệnh, giảm 15% so với hôm qua.

VN-Index đạt đỉnh lúc 1h30 và đổ đèo giảm rất nhanh.
VN-Index đạt đỉnh lúc 1h30 và đổ đèo giảm rất nhanh.

Điều bất ngờ là các blue-chips bị đánh úp không khiến thị trường suy yếu nhiều. VN-Index từ chỗ tăng 1,03% thành giảm 0,28%, nhưng độ rộng không quá kém. Lúc 1h30 khi VN-Index đạt đỉnh của ngày, sàn HSX có 294 mã tăng/111 mã giảm nhưng đến cuối phiên vẫn còn 261 mã tăng/164 mã giảm. Nhóm Midcap đóng cửa vẫn tăng 1,02%, để mất một nửa mức tăng tốt nhất trong phiên. Smallcap cũng còn tăng 0,74%. Độ rộng ở cả hai rổ này đều còn tốt với số tăng giá áp đảo.

Có thể thấy khả năng duy trì giá tại các cổ phiếu vừa và nhỏ lại tốt hơn blue-chips ở phiên này. Dòng tiền vào khá mạnh cũng là điều bất ngờ: Midcap tăng thanh khoản theo giá trị khoảng 29% so với hôm qua, Smallcap tăng gần 8%.

Điều này có thể hiểu là đà đi lên khác biệt của nhóm blue-chips nhiều phiên trước đã dẫn đến áp lực chốt lời đầy bất ngờ hôm nay, trong khi các mã còn lại không tăng nhiều nên lại tránh được sức ép. Thậm chí dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại các mã nhỏ.

Mặc dù vậy dòng tiền thoát ra khỏi blue-chips chưa bao giờ là có lợi cho thị trường. Thanh khoản khớp lệnh tại sàn HSX giảm 4%, đạt 20.787,6 tỷ đồng. Sàn HNX tăng gần 4%, đạt 2.270 tỷ đồng. Thị trường giảm nhưng ít nhất giao dịch vẫn duy trì ngưỡng trên 23 ngàn tỷ đồng hai sàn. Thực tế mức thanh khoản này là loanh quanh ngưỡng kỷ lục lịch sử.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại quay ra bán ròng 294 tỷ đồng trên sàn HSX, sau phiên mua ròng nhẹ 91 tỷ đồng hôm qua. Như vậy xu hướng bán ròng vẫn chưa thay đổi. HPG bị xả ròng nhiều nhất với 225,8 tỷ đồng. Tuy vậy lượng bán của khối ngoại chỉ chiếm hơn 13% thanh khoản mà thôi. Nhà đầu tư trong nước mới là đối tượng xả lớn HPG. NVL cũng bị bán ròng rất nhiều với 162,5 tỷ đồng. Không giống HPG, khối ngoại xả tới 38% thanh khoản của NVL. VIC, VRE, NLG, CII là các mã khác bị bán ròng khá nhiều, VPB, MSB, STB, HSG, VHM, BVH, SSI là những cổ phiếu được mua ròng nổi bật.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate