October 18, 2019 | 21:54 GMT+7

Bộ Công an bắt hai nghi can xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà

Bạch Huệ

Hai đối tượng đã khai nhận hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đà gây hậu quả "khủng hoảng" nước sạch ở Hà Nội suốt những ngày qua

Hai đối tượng bị bắt đã khai nhận hành vi xả thải.
Hai đối tượng bị bắt đã khai nhận hành vi xả thải.

Bộ Công an vừa phát đi thông tin về kết quả điều tra bước đầu vụ án xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà. 

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an thành phố Hà nội, các Cục nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương liên quan khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, giám định, phát động quần chúng tố giác tội phạm, tiến hành truy xét đối tượng và phương tiện đổ thải...

Căn cứ tài liệu chứng cứ và kết quả điều tra, ngày 16/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015 và chuyển vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tập trung lực lượng chức năng phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp để truy xét, điều tra vụ án.

Ngày 17/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 đối tượng, bước đầu 2 đối tượng đã khai nhận hành vi xả chất thải tại khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cơ quan Công an cũng tạm giữ 2 xe ô tô và nhiều vật chứng liên quan đến việc xả chất thải.

Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh Hòa Bình và các lực lượng chức năng điều tra mở rộng; đồng thời thu thập tài liệu xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bê bối nước sông Đà nhiễm bẩn bắt đầu từ sáng 9/10, Công ty nước sạch sông Đà phát hiện có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phức Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu, dầu chảy tràn xuống suối TrậmTừ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m.

Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty đã thông báo tới Công an xã Phúc Tiến vào chiều ngày 9/10 đồng thời xã đã thông báo cho Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu, khối lượng thu gom khoảng 100 lít váng dần lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy.

Sau đó, người dân một số quận Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen. Người dân vô cùng hoang mang.

Ngày 15/10, Tp. Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.

Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.

UBND Tp. Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố. Ngày 16/10, Công ty Sông Đà đã cấp nước trở lại nhưng vẫn khuyến nghị không dùng cho ăn uống chỉ dùng tắm giặt. 


Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate