Ngày 17/10, Bộ Công an đã công bố dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Theo cơ quan này, sau 10 năm (từ 2007-2017) triển khai thực hiện Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, công tác đăng ký, quản lý cư trú góp phần phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời góp phần tích cực vào việc thực hiện các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; về đăng ký và quản lý, sử dụng con dấu; về việc nghiêm cấm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái...
Bỏ hàng loạt thủ tục về quản lý cư dân
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng khẳng định dự cần thiết của việc sửa đổi Luật Cư trú, trong đó nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật cũng là cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có nội dung Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "Sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là "Sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng "Sổ tạm trú" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là "Sổ tạm trú" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bãi bỏ các nhóm thủ tục: Tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.
Ngoài ra, việc sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn như, Luật Cư trú chưa có sự phân biệt về điều kiện đăng ký thường trú áp dụng đối với công dân ngoại tỉnh và đối với công dân ở ngoại thành khi đăng ký thường trú vào các quận nội thành thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
Về phân cấp thẩm quyền trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương còn có sự bất cập giữa Công an phường và Công an xã, thị trấn; Về khái niệm "thường xuyên sinh sống" quy định trong Luật Cư trú còn chung chung, chỉ mang tính định tính, nên dẫn tới cách hiểu và cách áp dụng ở mỗi địa phương là không giống nhau; bất cập của việc quy định xóa đăng ký thường trú đối với người ra nước ngoài để định cư...
Về đánh giá tác động của chính sách, bao gồm bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ công an cho rằng, nếu thực hiện theo phương án này sẽ có nhiều ưu điểm.
Tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ vì thủ tục hành chính
Cụ thể về kinh tế, theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Hiện nay, 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan Công an tổ chức thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú…
Bộ Công an lấy dẫn chứng cho hay, trong công tác quản lý về bảo hiểm xã hội, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, nếu hoàn thiện việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân thì sẽ giảm chi phí trong quản lý về bảo hiểm xã hội; theo đó, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn.
Do đó, Bộ kiến nghị thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công.
Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sẽ góp phần cắt giảm 284 thủ tục hành chính, bãi bỏ, hủy bỏ 27 thủ tục hành chính, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 16 thủ tục hành chính và 9 loại giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Bộ kiến nghị bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ, điều chỉnh thay đổi trong sổ, xóa đăng ký thường trú, cấp lại sổ tạm trú...
Xóa quan liêu, rườm rà
Bộ Công an cho rằng, bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú sẽ xóa bỏ cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây phiền hà cho người dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản, tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho đối tượng phục vụ.
Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp trên cơ sở cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý; qua đó, góp phần đơn giản, minh bạch hóa, công khai hóa, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký thường trú, tạm trú là hơn 292 tỷ đồng/năm.