Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết năm nay giá có thể tăng theo sự biến động của đầu vào, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng sốt giá.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa tại buổi họp báo triển khai Chỉ thị số 1875/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn thị trường hàng hoá, được tổ chức chiều 30/11.
Tháng 11, giá nhiều mặt hàng tiếp tục leo thang. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng đã tăng tới 1,86% so với tháng trước. So với tháng 12/2009, CPI tháng này tăng là 9,58%. CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ đã tăng 8,96%. Các con số này cho thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số nhiều khả năng bị “bể”.
Theo lý giải của Bộ Công Thương nguyên nhân chính khiến giá cả của nhiều mặt hàng gần đây tăng mạnh đó là do giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới đã tăng đáng kể.
Ở trong nước lũ lụt và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra tại nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, khiến cho giá cả của nhiều hàng hoá bị đẩy lên. “Song cũng không loại trừ khả năng có việc đầu cơ khiến giá hàng hoá tăng để thu lời và tăng giá do yếu tố tâm lý”, bà Thoa phân tích.
Còn về diễn biến giá cả tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng giá bán của một số mặt hàng vẫn có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao chứ không hề có hiện tượng cung không đáp ứng đủ so với nhu cầu.
Cùng chung nhận định trên Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) còn cho biết thêm, hiện lượng gạo đang tồn trong kho của các doanh nghiệp là khoảng 1 triệu tấn. Tháng cuối năm lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký chỉ vào khoảng 500 nghìn tấn, nên lượng gạo còn lại hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân trước trong và sau Tết.
Thêm vào đó, bắt đầu từ tháng 12/2010 đến tháng 2 sang năm, nhiều địa phương sẽ bước vào thu hoạch do vậy mỗi tháng sẽ có trên dưới 1 triệu tấn lúa hàng hoá bổ sung cho nguồn cung ứng ra thị trường.
Đối với mặt hàng đường, tính đến cuối tháng 11, cả nước đã có hơn 20 nhà máy đường đi vào sản xuất. Ước tính lượng đường các nhà máy ép được trong tháng 12 có thể lên tới 100.000 tấn. Ngoài ra, lượng đường tồn kho tại các nhà máy hiện đang ở mức 35.000- 36.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 tấn.
Trong số 300.000 tấn đường được cấp hạn ngạch nhập khẩu trong năm nay các doanh nghiệp cũng chỉ mới nhập về 210.000 tấn, tức là còn 90.000 tấn chưa nhập khẩu. “Như vậy, không có lý do gì phải e ngại sẽ thiếu hụt đường trong dịp Tết, dù vào dịp này nhu cầu của người dân luôn có xu hướng tăng cao”, bà Miêng nói.
Về thực phẩm, năm 2010, theo ước tính sản lượng thịt của cả nước tăng từ 5-5,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đủ để đáp ứng cho nhu cầu của người dân được dự báo tăng khoảng 5,5%/năm.
Không những vậy, hàng năm lượng thịt các doanh nghiệp nhập khẩu về tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng tương đương với khoảng 5-6% tổng nhu cầu.
“Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tại hai địa phương lớn nhất cả nước đó là Hà Nội và Tp.HCM cũng đã ký được hợp đồng đảm bảo nguồn cung với các đối tác đến tận tháng 3/2011”, bà Miêng cho biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate