January 28, 2021 | 21:54 GMT+7

Bộ Công Thương họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19

Hà Giang

"Bộ phải phát hành ngay Chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới"

Bộ Công Thương họp khẩn về tình hình ứng phó với dịch Covid-19 chiều ngày 28/1.
Bộ Công Thương họp khẩn về tình hình ứng phó với dịch Covid-19 chiều ngày 28/1.

Chiều ngày 28/1, Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì đã thực hiện cuộc họp khẩn về tình hình ứng phó với dịch Covid-19 ngay sau khi Bộ Y tế xác nhận những ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Quảng Ninh và Hải Dương.

Theo đó Thứ trưởng Khánh yêu cầu các đơn vị trong Bộ bắt tay ngay vào triển khai các công việc được giao, gồm đảm bảo cung ứng hàng hóa trong các khu bị phong tỏa, các khu vực cửa khẩu cũng như kiểm soát thị trường.

"Đặc biệt, Bộ phải phát hành ngay Chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới", ông Khánh cho biết.

Trước những thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện trở lại và có diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.

Tại cuộc họp trên, cập nhật báo cáo, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết Sở đã xây dựng, ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị lực lượng hàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh, với mục tiêu đủ nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.

Hiện sức mua trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, không có hiện tượng đổ xô đi mua hàng, người dân tiếp tục nâng cao tinh thần phòng dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng đã kích hoạt các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch, hàng hóa về cơ bản đầy đủ để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Hiện không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, hàng hóa và giá cả trên các kệ hàng vẫn đầy đủ, đảm bảo sẽ không có tình trạng thiếu hàng, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng. Tuy nhiên, với diễn biến của dịch bệnh hết sức phức tạp và khó dự báo thì mọi kịch bản mọi tình huống luôn luôn sẵn sàng để phù hợp với từng thời điểm.

Tại Quảng Ninh, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Hệ thống siêu thị và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đang áp dụng các chương trình kích cầu khuyến mại với nhiều ưu đãi về giá, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Đồng thời, phát triển hình thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, hạn chế việc tập trung đông người...

Sở Công Thương tỉnh này cũng đã chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa để có biện pháp phù hợp điều tiết thị trường, không để tình trạng găm hàng, khan hiếm hàng. Sở Công Thương đã làm việc với trung tâm thương mại, siêu thị, các nhà phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Và hiện lượng hàng hóa đang dự trữ 6.000 tỷ để đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ bà con trong dịp Tết Nguyên đán.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate