Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
5 DỰ ÁN ĐƯỢC ĐỀ XUẤT GIỮ LẠI VỐN, ĐỢI CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
Bộ Giao thông vận tải cho biết ngày 29/11/2022 đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công về tình hình hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, kiến nghị phương án phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo kết quả thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải còn lại hơn 3.750 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.
Bộ Giao thông vận tải thông tin số vốn này dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án như: ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng.
Cùng với đó là vốn đối ứng cho 3 dự án ODA mới gồm: mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ: Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B tại đồng bằng sông Cửu Long và dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, với tổng số dự kiến bố trí hơn 2.570 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải, số vốn hơn 3.750 tỷ đồng để bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các dự án khi quyết định chủ trương đầu tư.
VẪN CÒN VƯỚNG MẮC, CÁC DỰ ÁN CHƯA ĐƯỢC PHÊ DUYỆT
Nêu lý do về việc bố trí vốn cho từng dự án, theo Bộ Giao thông vận tải, đối với phần ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả, việc bố trí vốn là cần thiết và phù hợp quy định. Tuy nhiên, hiện nay chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trung hạn.
Được biết, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Đến nay toàn bộ các công trình thuộc dự án đã được nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành theo đúng cam kết tại hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tuy nhiên, dự án đang phải gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của Nhà nước làm ảnh hướng rất lớn đến phương án tài chính, trong đó, việc chậm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Về 3 dự án ODA, Bộ Giao thông vận tải đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất do thủ tục sử dụng vốn ODA phức tạp, cần nhiều thời gian để xử lý từ các bộ, ngành liên quan.
Trong khi đó, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc là dự án có ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng để tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt nhưng đến nay vẫn khó khăn, chưa thỏa thuận được vị trí đấu nối với phía Trung Quốc.
Cơ quan chức năng dự kiến làm đường sắt khổ lồng với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1000mm hiện có của đường sắt Việt Nam, điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (mới). Trong đó, có 2.850m tuyến đường lồng sẽ được xây dựng.
Cơ quan quản lý đường sắt Trung Quốc cũng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều (mới) để nối ray với đường sắt Việt Nam.