November 27, 2023 | 07:00 GMT+7

Bỏ giấy chuyển viện, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ

Phúc Minh -

Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên điều trị dẫn đến bị quá tải, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thảo luận tại Quốc hội hôm 20/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiến nghị cần bỏ giấy chuyển viện. Bởi theo đại biểu, cử tri đã có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

KHÔNG QUẢN LÝ THEO TUYẾN CÓ THỂ GÂY QUÁ TẢI Ở TUYẾN TRÊN

Theo đại biểu TP. Hà Nội, trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay, khi liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã dễ dàng.

Đại biểu cho rằng, khi đã có trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế thì việc có giấy xin chuyển viện rất nên phải bãi bỏ. Và cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa. Đồng thời, cần coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa Luật Bảo hiểm y tế tới đây.

Phản hồi về vấn đề trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, quy định phân tuyến khám chữa bệnh và phân loại bệnh nhân theo tuyến là cần thiết, đảm bảo hệ thống y tế phát triển bền vững để chăm sóc tốt sức khỏe Nhân dân.

Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, người bệnh sẽ “đổ dồn” lên tuyến trên điều trị làm tuyến trên bị quá tải, hệ thống y tế có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả.

 “Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý khám chữa bệnh tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu khám chữa bệnh tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh.

Điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.

Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến dưới đã được đầu tư nguồn lực và ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. HCM cũng dẫn chứng, thực tế, tại TP. HCM, hầu hết các bệnh viện quận, huyện đều là các bệnh viện được phân hạng 1, hạng 2 thực hiện được rất nhiều dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của thành phố đều là các bệnh viện lớn thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, và đã thu hút số lượt bệnh nhân các nơi về khám chữa bệnh. Trong đó, người có thẻ bảo hiểm ytees luôn được giải quyết đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Theo bà Hằng, không chỉ gây lãng phí y tế, “túi tiền” của người bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi khi bệnh viện “quá tải” bệnh nhân…

Hơn nữa, cùng một loại bệnh, nếu điều trị tại tuyến huyện sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với tuyến trung ương vì việc đầu tư tại bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực).

TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI BỆNH TRONG CHUYỂN TUYẾN

Theo ông Lê Văn Phúc, cơ quan Bảo hiểm xã hội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, tuy nhiên việc này phải gắn liền với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Điều trị cho người bệnh. Ảnh - Phương Thảo. 
Điều trị cho người bệnh. Ảnh - Phương Thảo. 

Điều này cũng để tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính (cả của quỹ bảo hiểm y tế,  cũng như của người tham gia) không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.

Nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc “chuyển tuyến” và đảm bảo đúng quy định, ông Phúc cho rằng, một số giải pháp cần được đẩy mạnh thực hiện như, quy định cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khám chữa bệnh ban đầu cho tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp cơ bản và cơ sở cấp chuyên sâu không điều trị các bệnh và không thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật mà cấp ban đầu có thể thực hiện được.

Lý do là để đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu của người tham gia bảo hiểm y tế; phù hợp với nhiệm vụ phân cấp cho cơ sở các cấp; hướng tới nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ khám chữa bện tại y tế cơ sở.

Cùng với đó, cần nghiên cứu quy định chỉ áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám chữa bệnh các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu. như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật…, mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được.

Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội các tỉnh căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến khám chữa bệnh của Bộ Y tế quy định và khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của địa phương để quy định các bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến.

Việc này nhằm tạo thuận lợi trong khám chữa bệnh cho những người bệnh thực sự cần được thăm khám, theo dõi, điều trị chuyên khoa sâu; hạn chế các bất cập của quy định thông tuyến khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng quá tải tại cơ sở y tế tuyến trên, cũng như gia tăng chi phí không thực sự cần thiết.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là quy định cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên sâu chuyển người bệnh về cấp cơ bản điều trị tiếp, sau khi đã hết giai đoạn cấp tính đối với các trường hợp cần tiếp tục theo dõi, quản lý và điều trị nội trú; chuyển về cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp khám chữa bệnh ban đầu quản lý, theo dõi đối với các trường hợp bệnh mạn tính.

Để giảm thủ tục hành chính về giấy chuyển tuyến, hiện Bộ Y tế cũng đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.

 

Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến: Xã, huyện, tỉnh, trung ương. Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 cũng quy định sự phân cấp chuyên môn trong khám chữa bệnh, gồm: Cấp khám chữa bệnh ban đầu; cơ bản; chuyên sâu. 

Theo quy định, từ năm 2014, người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự, nhưng từ năm 2016 đã thông tuyến chữa bệnh ở cấp huyện, và từ năm 2021 đã thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tuyến tỉnh trên toàn quốc đều được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán như đi khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate