January 16, 2024 | 07:06 GMT+7

Bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát, ngăn chặn rủi ro từ sớm

Hoàng Lan -

Tiếp thu góp ý của Đại biểu Quốc hội cho Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về việc giám sát để phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng…

Không  để tổ chức  tín dụng  đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua.
Không để tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có Báo cáo số 725/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

DỰ KIẾN CAN THIỆP SỚM NẾU TỔ CHỨC TÍN DỤNG VI  PHẠM  TỶ  LỆ  AN  TOÀN  VỐN  TỐI  THIỂU

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng việc can thiệp sớm cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không quá dài.

Ý kiến khác thống nhất việc kết hợp lỗ lũy kế với chỉ tiêu vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; đề nghị trao quyền quyết định cho Ngân hàng Nhà nước  xem xét áp dụng can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156.

Có ý kiến đề nghị phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không đáp ứng được những yêu cầu, quy định của Ngaan hànng Nhà nước thì phải đề xuất kiểm tra, thanh tra và giám sát, thậm chí là kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng này.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn. 

Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp, bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, chủ sở hữu tổ chức tín dụng ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ Nhà nước trong giai đoạn này. Có ý kiến đề nghị cần có cơ chế tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng khác, các cá nhân, các tổ chức hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn sao cho hiệu quả, có ý nghĩa.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đề xuất đối với tổ chức dín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ thì cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ về cơ chế (trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính, thoái lãi dự thu theo lộ trình) và bổ sung 02 biện pháp áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân do nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ tổ chức tín dụng mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục tổ chức tín dụng khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng gắn với thẩm quyền của Chính phủ như sau:

“a) Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi theo quy định của Chính phủ, đồng thời phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa trích lập theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan;

b) Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 05 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này. Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng tối đa không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải thuyết minh rõ số lãi dự thu phải thoái chưa phân bổ theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan”.

ĐỀ XUẤT 6 TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHẢI KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

Có ý kiến cho rằng cần phải thực hiện ngay và kịp thời việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng. Đó là: đề nghị quy định đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt trường hợp số lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó. Ý kiến khác cho rằng giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước xác định tại thời điểm áp dụng kiểm soát đặc biệt. Đề nghị quy định rõ trường hợp nào phải kiểm soát đặc biệt và trường hợp Ngân hàng Nhà nước xét thấy tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có khả năng phục hồi, thì đưa vào kiểm soát đặc biệt. Có ý kiến đề nghị giao cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước thực hiện những giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ với mục đích bảo đảm an toàn hệ thống.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp sau.

Thứ nhất,  tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục.

Thứ ba, hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm.

Thứ tư, bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Thứ năm, tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục.

Thứ sáu, tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Tại Báo cáo số 03/BC-CP, Chính phủ đề xuất bổ sung phương án phục hồi và phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vào dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có cơ hội phục hồi, vì có thể xuất hiện nhà đầu tư mới hoặc nỗ lực của tổ chức tín dụng sẽ thay đổi được tình trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng phương án phục hồi và phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định này, đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của dự thảo Luật.

 

Uỷ  ban  Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật Các  tổ  chức  tín  dụng  (sửa  đổii) theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có tổ chức tinz dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate