Chia sẻ về Điều tra doanh nghiệp năm 2024, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết kể từ ngày 1/4/2024, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành Điều tra doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018).
Trừ 3 ngành O (hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc), ngành U (hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế) và ngành T (hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình).
Cuộc điều tra được tiến hành nhằm thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.
“Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2023, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế. Kết quả từ điều tra doanh nghiệp năm 2024 được dùng để biên soạn “Sách trắng doanh nghiệp năm 2024” và “Sách trắng hợp tác xã năm 2024”; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp; và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác”, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê cho biết.
Theo đó, đơn vị điều tra năm 2024 gồm 64 tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp; hợp tác xã và các chi nhánh hạch toán độc lập trực thuộc doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp điều tra là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành như: Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán…
Chi nhánh hạch toán độc lập là đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền; Có mã số thuế riêng 13 số; có con dấu riêng; tài khoản ngân hàng riêng, sử dụng hóa đơn và báo cáo tài chính sử dụng hóa đơn tại chi nhánh; trực tiếp kê khai thuế tại chi nhánh; có tổ chức bộ máy kế toán; tự lập và nộp Báo cáo tài chính tại chi nhánh.
Theo kế hoạch, Điều tra doanh nghiệp năm 2024 thu thập 4 thông tin chính.
Thứ nhất, thông tin nhận dạng. Đó là thông tin định danh của đơn vị điều tra; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình doanh nghiệp; cơ sở trực thuộc của doanh nghiệp.
Thứ hai, thông tin về lao động và thu nhập của người lao động. Đáng chú ý là việc bổ sung thông tin lao động là người nước ngoài nhằm phản ánh bức tranh đa dạng của thị trường lao động Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Thứ ba, thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh, bao gồm: kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư; sản lượng sản xuất của sản phẩm; tiêu dùng năng lượng; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam
Cuối cùng, thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ của doanh nghiệp.
Điều tra doanh nghiệp năm 2024 là cuộc điều tra thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Theo đó, áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về thông tin định danh, ngành nghề sản xuất kinh doanh, lao động.
Áp dụng đối với các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra nhằm mục đích mở rộng nội dung điều tra, phục vụ tính các chỉ tiêu chuyên ngành, giúp nâng cao chất lượng điều tra nhất là đối với các câu hỏi phức tạp, chuyên sâu.