Theo Quyết định 1676 vừa ban hành, 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 được công bố, gồm chuẩn mực số 01 trình bày báo cáo tài chính; chuẩn mực số 02 báo cáo lưu chuyển tiền tệ; chuẩn mực số 12 hàng tồn kho; chuẩn mực số 17 bất động sản, nhà xưởng, thiết bị; chuẩn mực số 31 tài sản vô hình.
“Do chưa công bố hệ thống chuẩn mực công, nên đã ảnh hưởng đến việc xếp hạng của Việt Nam trong một số đánh giá của các tổ chức nước ngoài. Vì vậy, việc công bố và thực hiện hệ thống chuẩn mực công mang lại nhiều lợi ích cho các hoạt động hội nhập quốc tế cũng như việc nâng cao lòng tin của các đối tác, các tổ chức tài chính, kinh tế trong và ngoài nước”.
Bộ Tài chính.
Đại diện Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận.
Cùng với đó, Việt Nam phải tuân thủ theo lộ trình đã thỏa thuận có cam kết về minh bạch hóa thông tin kế toán, nhất là trong lĩnh vực công.
Được biết, cách đây gần 20 năm, Việt Nam đã xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực doanh nghiệp. Hiện nay đang có kế hoạch triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công cho đến nay mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị kế toán cụ thể thuộc lĩnh vực này. Các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là hướng dẫn và tổ chức công việc kế toán, chứ chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các thông tư hướng dẫn kế toán cho các đơn vị hiện nay, mặc dù đã tiếp cận thông lệ quốc tế, nhưng theo đánh giá của chuyên gia tư vấn của Ngân hàng thế giới vẫn còn khác biệt khá lớn ở một số lĩnh vực.
Về lộ trình ban hành, các chuẩn mực dựa trên chuẩn mực kế toán công quốc tế có nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam, ít phải sửa đổi, bổ sung sẽ ban hành, công bố trước. Các chuẩn mực phức tạp, có nhiều khác biệt hơn, cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan.
Theo Đề án, giai đoạn 2020-2024, cần phải nghiên cứu, xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công theo lộ trình.
Cụ thể, đợt 1, ban hành 5 chuẩn mực không có sự khác biệt về mặt kỹ thuật, hoặc ít khác biệt, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Đợt 2, ban hành 5 chuẩn mực có ít khác biệt hoặc khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Đợt 3, ban hành 5 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Đợt 4, tiếp tục ban hành 6 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Sau năm 2024, ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi đã tạo lập đầy đủ các điều kiện liên quan để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.