Chiều ngày 14/11, Bộ Tài chính thông tin về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đưa thêm hàng loạt khuyến nghị trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua khiến thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, còn các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG XOAY TIỀN, ĐÀM PHÁN TRẢ NỢ
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và đưa ra những lưu ý quan trọng.
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.
Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
"Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phát hành phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như (i) cơ cấu lại nợ, (ii) đàm phán hoán đổi trái phiếu, (iii) xử lý tài sản đảm bảo, (iv) thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thứ hai, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ như các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, để đảm bảo các nghĩa vụ ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Thứ ba, đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành".
"Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt", Bộ Tài chính lưu ý.
TỔ CHỨC PHÂN PHỐI VÀ DỊCH VỤ PHẢI CUNG CẤP THÔNG TIN ĐẨY ĐỦ
Đặc biệt, Bộ Tài chính liên tiếp nhắc nhở các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu.
Cùng với đó, nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
"Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.
"Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
TUÂN THỦ VÀ MINH BẠCH THÔNG TIN
Bộ Tài chính khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn.
Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường.
"Đồng thời, Nghị định số 65/2022 cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán; yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát.
"Trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn", Bộ Tài chính khẳng định.
Cùng với thực hiện Nghị định 65, Bộ Tài chính sẽ rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).
Bộ Tài chính cũng sẽ sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 1uý 4/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục èo uột trong 10 tháng năm 2022. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại số trái phiếu với trị giá 147.484 tỷ đồng, tăng đến 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, chỉ riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Cũng liên quan đến việc ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại Nghị quyết 143 về phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.
Cùng đó, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.