Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết qua hơn 8 năm thực hiện (2017-2025), Luật Ngân sách Nhà nước đã phát huy hiệu quả nhất định song trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
5 MỤC TIÊU KHI SỬA LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành trên tinh thần đảm bảo 5 mục tiêu sau.
Một, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tính chủ động của ngân sách địa phương.
Tờ trình Chính phủ do Bộ Tài chính soạn thảo đề cập 5 mục tiêu khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước; đồng thời, cho phép mọi người dân đóng góp ý kiến, giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Hai, tiếp tục phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương. Phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách gắn trực tiếp với quyền và trách nhiệm của từng cấp và cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện.
Ba, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu, chi ngân sách nhà nước; xóa bỏ cơ chế xin - cho, dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, thủ tục hành chính trong công tác quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước.
Bốn, tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với ngân sách nhà nước; phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác điều hành ngân sách nhà nước đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua.
Năm, thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng nguồn cho chi đầu tư phát triển; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của đơn vị sử dụng ngân sách.
TĂNG CƯỜNG CÔNG KHAI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tại Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể hơn đối tượng thực hiện công khai ngân sách nhà nước và nội dung công khai.
Theo đó, đối tượng thực hiện công khai gồm các cấp ngân sách nhà nước; các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, bổ sung thêm đối tượng công khai là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Quy định rõ nội dung công khai cho từng đối tượng thực hiện công khai. Đồng thời, bổ sung quy định nội dung công khai kết luận của cơ quan thanh tra và kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra về ngân sách nhà nước của cơ quan thanh tra (trừ những nội dung không được công khai theo quy định của pháp luật).
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất sửa đổi, bổ sung này nhằm tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về công khai minh bạch ngân sách; giúp người dân tiếp cận, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin về ngân sách nhà nước và tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Để các tổ chức, cá nhân giám sát có thể tiếp cận thông tin thuận lợi, hiệu quả, Dự thảo đề xuất bổ sung quy định bắt buộc các cơ quan, đơn vị có Cổng thông tin điện tử phải công khai ngân sách nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Dự thảo bỏ quy định về thời gian công khai ngân sách nhà nước và kiến nghị giao Chính phủ quy định cụ thể để đảm bào tính linh hoạt trong triển khai thực hiện.