Bộ Tài chính cho biết trong các năm qua, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trên cơ sở tổng hợp quyết toán của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn và thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương đã được thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương duyệt, Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng trình tự, thời hạn quy định.
NHIỀU BẤT CẬP KHI BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thực tế vẫn còn tình trạng, một số bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định, số liệu thay đổi nhiều lần, gây khó khăn cho bộ trong việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý ngân sách lồng ghép hiện nay cũng làm cho công tác quyết toán ngân sách nhà nước gặp một số khó khăn nhất định.
"Việc tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước được thực hiện theo thứ tự lần lượt từ ngân sách cấp dưới lên ngân sách cấp trên nên mất rất nhiều thời gian, khó đảm bảo thời hạn tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và gửi Bộ Tài chính trước ngày 1/10 năm sau theo quy định", Bộ Tài chính nêu rõ.
Chẳng hạn như đối với ngân sách trung ương, một số bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán như Bộ Quốc phòng có 4 cấp dự toán, Bộ Công an có 3 cấp dự toán… và có nhiều đơn vị trực thuộc ở các tỉnh, thành phố khác nhau.
Còn ngân sách địa phương gồm có 3 cấp ngân sách (xã, huyện, tỉnh), báo cáo quyết toán ngân sách địa phương được tổng hợp theo thứ tự lần lượt từ cấp xã tới cấp huyện và cấp tỉnh.
Ở mỗi cấp ngân sách, hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được hội đồng nhân dân cấp dưới phê chuẩn rồi gửi cấp trên xem xét, phê duyệt.
Như vậy, quy trình tổng hợp báo cáo quyết toán ở các cấp ngân sách địa phương nêu trên vừa chồng chéo, phức tạp, vừa mất nhiều thời gian.
GIẢM SỰ CHỒNG CHÉO, TĂNG TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP
Từ thực trạng trên, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Theo Bộ Tài chính, các bước của quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đang được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Vì vậy, "để thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước cần sửa đổi quy định để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp", Bộ Tài chính đề nghị.
Như vậy, đối với quyết toán ngân sách địa phương, tại mỗi cấp ngân sách, hội đồng nhân dân họp để xem xét, phê duyệt quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được hội đồng nhân dân cấp dưới phê duyệt.
Đối với ngân sách trung ương, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương. Quốc hội không phê duyệt lại quyết toán ngân sách địa phương đã được hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt.
Để giảm sự chồng chéo của các cấp trong việc thẩm định quyết toán và tăng cường trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước.
Đối với ngân sách trung ương, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương.
Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I.
Đối với quyết toán ngân sách địa phương, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình.
Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện không thẩm định quyết toán của ngân sách cấp dưới. Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện tổng hợp quyết toán của ngân sách cấp dưới.
Trong quá trình tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương, trường hợp phát hiện có sai sót, cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện yêu cầu uỷ ban nhân dân cấp dưới trình hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại số liệu.
Về xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của hai ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định đặc thù đối với việc xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của 2 ngân hàng này, giao cho hội đồng quản trị hai ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, bỏ quy định Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của hai ngân hàng chính sách.
Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan quản lý tài chính sẽ thực hiện kiểm tra số cấp bù lãi suất và chi phí quản lý theo quy định về chế độ quản lý tài chính đối với hai ngân hàng này.
Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước; tăng trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước; sửa đổi thời gian thực hiện các bước của quy trình lập, xét duyệt, tổng hợp, trình quyết toán ngân sách nhà nước.