Theo ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; Thông tư 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đã quy định rõ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và theo dõi riêng quỹ bằng một tài khoản riêng ở ngân hàng.
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn ngân hàng quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư quỹ theo đúng quy định.
Theo ông Bình, Công ty Hải Hà thực hiện đúng quy định báo cáo số tài khoản về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong việc kiểm tra số dư quỹ, hàng tháng, báo cáo số dư quỹ, trích chi theo điều hành của cơ quan có thẩm quyền. Sao kê tài khoản cũng thể hiện rõ nội dung trích chi này.
Về việc Công ty Hải Hà bị trích 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Bình cho biết Bộ Tài chính có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, BIDV phối hợp, cùng các bộ, ngành liên quan xử lý nội dung này. "Trách nhiệm cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ thời gian tới", lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định.
Phản hồi về vấn đề Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của dân, tại sao đặt tại doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định đây là quỹ đặc thù. Doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực này và quỹ tồn tại song hành cùng địa vị pháp lý doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính thường xuyên quản lý, kiểm tra, giám sát công tác trích chi, hàng tháng tổng hợp thông tin về quỹ. Thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến quỹ này", ông Bình nhấn mạnh. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và bộ liên quan để có cách thức vận hành quỹ phù hợp, hiệu quả hơn.
Thông tin thêm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định việc hình thành, tình hình trích lập và quản lý quỹ đã được quy định tại khung khổ pháp lý đầy đủ, tổ chức quản lý, giám sát sát sao nhưng tình hình quản lý quỹ của các doanh nghiệp thời gian gần đây có vấn đề, yêu cầu cơ quan quản lý tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn việc hình thành, quản lý quỹ.
Vì vậy, "Cục Quản lý giá sẽ chủ trì và phối hợp đơn vị liên quan để rà soát quy định hiện hành và diễn biến trên thực tế, từ đó, đề xuất cấp có thẩm quyền và giải quyết trong thẩm quyền", lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.
Những "lùm xùm" liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục dấy lên sau khi Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm về nghĩa vụ nộp thuế, chưa đảm bảo số lượng đại lý theo quy định, đặc biệt chưa chuyển toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil là 1 trong số 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu, bị rút giấy phép, doanh nghiệp này buộc phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Bộ Công Thương và chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước.
Tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà bị ngân hàng BIDV, Chi nhánh Long Biên, trích thu nợ tự động của công ty gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại chi nhánh này.
Đáng nói, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được chi sử dụng bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng quỹ cho các mục đích khác.
Về trách nhiệm của ngân hàng thương mại, nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá, định kỳ ngày mùng một hàng tháng, ngân hàng phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối trong tháng liền kề trước đó đến Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).
Sau khi nhận được phản ánh từ Vận tải thủy bộ Hải Hà, ngày 31/8, Bộ Tài chính gửi công văn cho ngân hàng BIDV, Chi nhánh Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95.
Để cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà người đại diện theo pháp luật của Công ty Hải Hà. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh, theo thông báo của Cục Thuế tỉnh Thái Bình là từ ngày 30/8/2023 đến khi Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 3 văn bản yêu cầu triển khai các biện pháp thu hồi nợ thuế của Hải Hà.
Về phía Công ty Hải Hà, lãnh đạo công ty giãi bày trong ba năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân dân không có xăng dầu để đi lại, công ty phải kinh doanh dưới giá vốn, chấp nhận thua lỗ để nhập đủ xăng dầu phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, công ty kinh doanh trong điều kiện thua lỗ nhưng vẫn tìm nguồn tài chính hợp pháp để nộp lên ngân sách nhà nước với số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, Công ty Hải Hà lỗ hết vốn chủ sở hữu, thiếu vốn lưu động phục vụ kinh doanh, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do kinh doanh thua lỗ, nợ thuế bảo vệ môi trường.
Vào kỳ chốt sổ ngày 31/7, Cục Thuế tỉnh Thái Bình ra thông báo công khai người nộp thuế nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Trong đó, Công ty Hải Hà nợ hơn 1.736 tỷ đồng thuế, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Công ty Hải Hà.