Bộ Tài chính cho biết, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thuế, tháo gỡ những khó khăn trong việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để trình Chính phủ.
Về một số điểm đáng chú ý trong dự thảo, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chỉ rõ, thứ nhất, sẽ sửa đổi quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 theo hướng tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm.
"Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước", Tổng cục Thuế lưu ý.
Được biết, với doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch, hạn nộp hồ sơ chậm nhất sẽ là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 tính từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Thứ hai, về trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, dự thảo cũng bổ sung khoản 3 Điều 42 của Nghị định 126 quy định trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế.
Theo đó, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn cưỡng chế trùng với ngày nghỉ thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau của ngày nghỉ đó.
Theo ghi nhận của Tổng cục Thuế, thời gian qua, quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Quy định tại điểm b, c, g khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 chỉ rõ, doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp, số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm.
Theo đó, nếu tổng số tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn 75% số thuế phải nộp của cả năm thì doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp, số tiền lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Thực hiện quy định nêu trên, đến thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý 3, doanh nghiệp cần ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của cả năm làm cơ sở để xác định số thuế tạm nộp của 3 quý đầu năm.
“Việc yêu cầu doanh nghiệp ước số thuế phải nộp cả năm trong khi còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm là chưa hợp lý về mặt thời điểm nên chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nộp thuế”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, một số ngành như bất động sản, thương mại, đầu tư,... thường có doanh thu rơi vào cuối năm.
Do không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý 4, chưa biết lời lỗ vẫn bắt nộp đủ thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ước tính kết quả kinh doanh của năm vào thời điểm kết thúc quý 3 không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp.
Mặt khác, tại Luật Quản lý thuế số 38 quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được tính theo ngày dương lịch.
Nhưng trong thực tế phát sinh trường hợp ngày cuối cùng của các thời hạn nêu trên là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ và tại Nghị định 126 không có quy định về vấn đề này dẫn đến cơ quan thuế, người nộp thuế gặp vướng mắc trong thực hiện.