Chiều tối ngày 5/9/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì buổi thông tin báo chí về về phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 và một số vấn đề liên quan đến đất đai đang được dư luận quan tâm trong đó có hiện tượng bất thường trong đấu giá đất ở 2 huyện Thanh Oai và Hoài Đức thời gian vừa qua.
SỐ LƯỢNG HỒ SƠ RẤT LỚN, TRÚNG ĐẤU GIÁ QUÁ CAO
Trước đó, kết quả đấu giá đất diễn ra tại một số huyện vùng ven của Hà Nội đã làm “nóng” dư luận khi số lượng hồ sơ tham gia đấu giá rất lớn. Hơn nữa, giá trúng đấu giá cũng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cao bất thường so với mặt bằng giá chung của thị trường đất đai tại những nơi đấu giá đó.
Đơn cử như ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao nhưng có tới 7.000 bộ hồ sơ tham gia. Kết thúc phiên đấu giá, các lô đất trúng giá cao gấp 5-8 lần so với giá khởi điểm. Trong đó, lô đất góc có giá trúng cao nhất là hơn 100,5 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 88 triệu đồng. Lô trúng thấp nhất là 63,5 triệu đồng/m2. Còn lại có giá trúng từ trên 80- 90 triệu đồng/m2.
Còn tại Hoài Đức cũng vừa đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, sau 9 vòng đấu, giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với lô LK03-12 (tổng giá trị hơn 15 tỉ đồng), cao gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm (7,3 triệu đồng/m2).
Ngoài ra, còn có lô LK03-6 và lô LK04-6 được trả giá lên đến 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3- 121,3 triệu đồng/m2. 2 lô đất trúng đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2…
Thông tin tại buổi họp báo về kết quả kiểm tra 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện Thanh Oai, Hoài Đức của TP.Hà Nội, diễn ra trong tháng 8 vừa qua, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, cho biết sau khi dư luận phản ánh những vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất ở Thanh Oai và Hoài Đức, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, trong đó có việc trúng đấu giá quá cao so với giá khởi điểm gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cần phải xem xét và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu gửi UBND TP.Hà Nội, cũng như UBND huyện Thanh Oai và Hoài Đức cử đoàn kiểm tra xem xét các vấn đề liên quan đến cuộc đấu giá trước khi Thủ tướng có chỉ đạo ngày 21/8.
Theo ông Trường, bước đầu nổi lên vấn đề giá trúng đấu giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nói chung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Hà Nội kiểm tra tại 2 địa bàn huyện Thanh Oai và Hoài Đức. Thông tin bước đầu trong quá trình làm việc cho thấy số lượng hồ sơ ở 2 huyện này là rất lớn.
Cũng theo ông Trường, việc tổ chức, tiến hành đấu giá đất ở Thanh Oai và Hoài Đức được thực hiện nghiêm túc, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, có sự vào cuộc của UBND và các cơ quan chức năng địa phương, có sự giám sát của nhiều cơ quan; đặc biệt có sự tham gia của lực lượng công an để tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Do khối lượng hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Oai và Hoài Đức rất lớn nên cần phải kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng. Ví dụ như việc đấu giá đất ở Thanh Oai có tới 4.500 hồ sơ đăng ký đấu giá. “Chúng tôi phải xem xét các căn cứ tiến hành đấu giá, phương án đấu giá, xác định giá và các văn bản liên quan. Do khối lượng công việc rất lớn nên cần xem xét kỹ lưỡng", ông Trường thông tin.
Sau 3 ngày Hà Nội đấu giá, Thủ tướng đã có Công điện, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài Chính, Xây dựng và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những vi phạm pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, ban hành…
Về kết quả đoàn kiểm tra, sau khi làm việc với các bộ ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ, toàn diện về vấn đề này.
CHƯA PHÁT HIỆN KẼ HỞ CHÍNH SÁCH TRONG ĐẤU GIÁ ĐẤT TẠI HOÀI ĐỨC VÀ THANH OAI
Ông Trường thông tin, bước đầu có thể nhận định, quá trình tổ chức đấu giá được thực hiện nghiêm túc. Còn giá khởi điểm đầu vào thấp cần phải xem xét đầy đủ các quy định pháp luật tại thời điểm khi địa phương xây dựng phương án giá, tổ chức đấu giá là thời điểm giao thoa giữa 2 luật (Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024) có nhiều nội dung giao thoa. Do đó các địa phương cần phải rà soát một cách toàn diện, đầy đủ nội dung, phương pháp và quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Đề xuất giải pháp liên quan đến nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần phải dựa trên kết quả, kết luận kiểm tra. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy, để tổ chức công tác đấu giá địa phương hiệu quả, cần làm tốt một số nội dung liên quan quan đến quá trình thực hiện.
Việc tổ chức đấu giá ở 2 huyện Thanh Oai và Hoài Đức trong bối cảnh Luật Đất đai 2013 vừa hết hiệu lực; đồng thời Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản… có hiệu lực. Vì vậy, trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá đầy đủ để tổ chức thực hiện.
Trước băn khoăn về kẽ hở pháp luật liên quan đến đầu giá đất tại Hà Nội, ông Chu An Trường cho biết quy định đấu giá của pháp luật đất đai hay xác định giá khởi điểm chưa có đủ căn cứ, cơ sở để khẳng định là có kẽ hở. Về chỉ đạo chung, văn bản quy định pháp luật, cũng như hướng dẫn luật đều nêu rõ trường hợp đấu giá, xác định giá,…
Trao đổi thêm vấn đề này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, về nguyên tắc khi kiểm tra, hoặc văn bản đi vào thực hiện có bất cập mang tính phổ quát, ảnh hưởng đến chính sách, vận hành trong thực thipháp luật thì cần có lộ trình đề nghị điều chỉnh chính sách.
Hiện nay, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ nhận thông tin và đánh giá sơ bộ ban đầu về quá trình đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức; đồng thời cũng chưa làm việc cụ thể với các bộ ngành liên quan theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Để xác định có kẽ hở pháp luật hay không, phải có kết quả thanh tra, kiểm tra, xác mình trên cơ sở hồ sơ. Từ đó, nếu vụ việc xảy ra phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình giá thị trường bất động sản, an ninh kinh tế, khi có kết luận do kẽ hở chính sách sẽ phải nhanh chóng tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền để xử lý ngay kẻ hở
Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phát hiện có kẽ hở từ vấn đề chính sách liên quan đến quá trình đấu giá đất kể trên.
Hiện nay, đoàn kiểm tra chưa có kết luận tìm ra cụ thể nguyên nhân khách quan và chủ quan, tìm lý do, bản chất của vấn đề này nên chưa thể đưa ra khuyến cáo.
Quá trình kiểm tra tại Hoài Đức và Thanh Oai, một số địa phương của Hà Nội đặt vấn đề có tiếp tục đấu giá đất hay không? “Chúng tôi không khuyến cáo tiếp tục tổ chức thực hiện hay không tổ chức đấu giá đất, bởi đây là thẩm quyền của địa phương. Chúng tôi chỉ khuyến cáo địa phương rà soát kế hoạch đấu giá theo đúng quy định”, ông Trường nói.