Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2022 ngày 15/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng điểm nổi bật nhất của KTTT trong 20 năm qua là sự thay đổi mô hình hợp tác xã (HTX) kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
ĐÓNG GÓP VÀO GDP LIÊN TỤC GIẢM TỪ
Nói về kết quả đạt được sau 20 năm, Bộ trưởng khẳng định kết quả thành công nhất của việc thực hiện Nghị quyết là việc thống nhất nhận thức về các quan điểm phát triển KTTT, xác lập môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT thông qua việc từng bước bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX.
Nhờ đó, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng tương lai.
Tính đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong đó, HTX nông nghiệp chiếm 67,03%; ngoài ra, HTX thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; HTX giao thông vận tải chiếm 6,7%; Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 4,32%…
Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
Đó là tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp, chỉ bằng khoảng ½ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020…
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT vẫn chưa đạt yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KTTT chưa nắm chắc tình hình phát triển KTTT, công tác tham mưu giúp Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT còn hạn chế.
Đáng chú ý, khung khổ pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với HTX, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta, chưa làm rõ được sự phát triển từ thấp đến cao của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Chia sẻ rõ hơn về những hạn chế, bất cập trong 10 năm thực hiện Luật HTX, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, nhiều quy định của luật hiện nay đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trợ sự phát triển nhất là sau khi Luật HTX 2012 được ban hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung.
Đặc biệt, nhiều quy định của luật hiện nay còn hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của HTX như “bó hẹp” HTX chỉ được duy nhất một người đại diện, giới hạn cứng tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng… Ngoài ra, quy định về kiểm toán, tổ chức quản lý nhà nước về KTTT còn chưa thống nhất, chưa được coi trọng, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho khu vực này cũng chưa hiệu quả và phù hợp…
TẬP TRUNG 8 NHÓM GIẢI PHÁP
Do đó, để thích ứng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao và tránh được những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị thời gian tới cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT bởi đây là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thứ hai, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển. Theo đó, Nhà nước quản lý các tổ chức kinh tế hợp tác thông qua luật pháp và cơ chế, chính sách, không can thiệp trực tiếp vào quá trình hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Thứ tư, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT.
Thứ năm, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Trong đó, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của KTTT như: nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của HTX cũ, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai.
Thứ sáu, xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT.
Cuối cùng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội và trách nhiệm của Liên minh HTX các cấp trong phát triển KTTT, HTX.
HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 ngày 15/2 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến các điểm cầu Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hai hội nghị được tổ chức kết hợp trong buổi sáng và chia thành 02 nội dung tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết Luật Hợp tác xã.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.
Đây là cơ hội để đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nội dung còn hạn chế, từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo để đạt được mục tiêu phát triển khu vực KTTT, HTX bền vững, làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân.