Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á phối hợp tổ chức.
Hội nghị diễn ra chỉ 02 tuần sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, cho thấy sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chủ trương này, trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời, để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với sự có mặt đông đảo của doanh nghiệp hàng đầu có hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành bán dẫn, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn với 5 yếu tố chính.
Thứ nhất, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; theo đó đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50 nghìn kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan... Đặc biệt, hơn 2 tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và cùng chúng tôi nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm chiến lược toàn diện. Đồng thời, tuyên bố chung của hai quốc gia đã xác định một
trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.