Trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm trong công tác thu chi ngân sách, hoàn thuế giá trị gia tăng.
HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU THÌ KHÔNG THỂ HOÀN THUẾ
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế, theo Bộ trưởng, hiện cơ quan thuế đã hoàn được 92%, hiện chỉ còn giải quyết 14.857 hồ sơ và đang giải quyết 534 hồ sơ, tương đương số tiền 9.154 tỷ đồng. Điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn VAT, có chứng từ chuyển tiền. Đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
Theo ông, một số vướng mắc là khi xác minh, cơ quan thuế nước ngoài cho biết không tồn tại doanh nghiệp này có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được.
"Vấn đề hoàn thuế có bài học rất đau xót. Như vụ Thủ Đức House, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có 18 người đi tù, kể cả cục phó phải đi tù 4 năm dù không lấy đồng nào mà do làm sai”.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Luật thuế quy định nếu hoàn trước, kiểm tra sau là 6 ngày, còn kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày cùng các quy định khác, cơ quan thuế phải chấp hành.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đồng loạt nêu vướng mắc trong chậm hoàn thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho biết doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ.
Theo bà Hoa, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế.
"Trên thực tế có doanh nghiệp than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Thế nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, bị giam tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn mà chẳng biết kêu ai", đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết và đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng này.
Còn giải trình về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% (từ 10% xuống 8%) với tất cả hàng hoá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết chính sách này thực hiện theo đúng Nghị quyết 43 kéo dài, trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Nếu mở rộng giảm cho tất cả các loại hàng hoá sẽ gây áp lực lên ngân sách.
NỖ LỰC LỚN KHI GIẢM THUẾ NHƯNG VẪN PHẢI TĂNG CHI NGÂN SÁCH
Giải trình về công tác thu ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Trong 9 tháng của năm 2023, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách cơ bản được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.
Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hay nói cách khác, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính trình Quốc hội và Chính phủ giảm nhiều sắc thuế khác nhau cũng như tiền thuê đất. Theo đó, năm 2021, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất có giá trị 132.400 tỷ; 2022 giảm 233.000 tỷ; năm nay dự kiến khoảng 200.000 tỷ. Đây là một nỗ lực rất lớn, bởi sau khi giảm thuế, làm thế nào để có tiền và tiếp tục giữ được cán cân tài khóa, trong khi đó, phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng cho biết đến ngày 30/10, thu ngân sách đạt 85%, tức đạt 1,366 triệu tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề tăng thu chủ yếu từ đất như nhiều đại biểu đánh giá, Bộ trưởng cho biết thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 57,8% dự toán, tương ứng 86.482 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu dầu thô cũng rất thấp, chỉ 46.000 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách.
"Nguồn thu ngân sách chủ yếu hiện nay là từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về dự toán thu ngân sách năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ và Quốc hội, khi đặt ra mục tiêu dự toán tăng trên 5%.
Song nếu tính hai khoản giảm thuế dự kiến là giảm 2% thuế giá trị gia tăng cũng như thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và mỡ nhờn, dự toán lên đến 1,757 triệu tỷ đồng chứ không phải là 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng đến 8,46% so với ước thực hiện của năm 2023 và so với dự toán của năm 2023.
VÌ SAO GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG THẤP DÙ NỀN KINH TẾ KHÁT VỐN?
Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả quyết định của Thủ tướng và các địa phương, mới giải ngân được 52%.
“Tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế khát vốn? Nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Ông Phớc cho rằng hiện việc điều chỉnh danh mục công trình, điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải trình ra Quốc hội gây vướng mắc, hay những dự án trong gói phục hồi không giao được vốn, chứ đừng nói giải ngân.
Chẳng hạn, gói 14.000 tỷ xây trạm y tế các phường, xã, đến nay vẫn chưa giao được vốn. Công trình trọng điểm quốc gia là sân bay Long Thành cũng gặp vướng mắc chưa giao được vốn. Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị cần sửa Luật Đầu tư công và cả Luật Ngân sách nhà nước để tháo gỡ vướng mắc.
Về dự toán chi ngân sách năm 2024, Bộ Tài chính bố trí chi xây dựng cơ bản hay chi đầu tư công 677.300 tỷ đồng, chiếm 32% trong tổng chi ngân sách, thực hiện đúng chủ trương của trung ương; đồng thời, bố trí đủ để nâng lương cơ sở từ và cải cách tiền lương.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về việc cần giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính tính toán có những bộ ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm.
"Bây giờ bộ ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều. Đại biểu nào muốn chúng tôi sẽ chi tiết một số bộ ngành để thấy rằng chúng ta rất tiết kiệm trong vấn đề chi thường xuyên, chủ yếu là phục vụ cho con người, lương và phụ cấp lương là chính", ông Phớc phân trần.
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) là một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, điển hình của tội phạm kinh tế, buôn lậu, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế… với 67 bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về 10 tội danh. Trong đó, có rất nhiều cán bộ ngành thuế và hải quan. Cụ thể, có 15 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh bị truy tố vì gây thất thoát hơn 365 tỷ đồng.
Trong vụ án, Viện kiểm sát xác định Trịnh Tiến Dũng chủ mưu thành lập 18 công ty ma, làm khống các hợp đồng xuất khẩu, mua bán lòng vòng linh kiện điện tử giả và nâng khống giá trị gấp nhiều lần để chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng tiền hoàn thuế thông qua ba công ty trung gian. Trong đó, thông qua Thuduc House giúp chiếm đoạt 365 tỷ đồng của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh...