Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi trả lời chất vấn trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/8.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập vừa qua nhiều vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến tướng lĩnh công an mà vụ "Vũ Nhôm" là một điển hình. Bộ đã rà soát xem có còn tổ chức kiểu "Vũ Nhôm" hay không? và giải pháp hạn chế thế nào, đại biểu Nhưỡng chất vấn.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, vụ Vũ Nhôm liên quan đến 5 vụ án đã khởi tố, điều tra, đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan đến cố ý làm lộ bí mật nhà nước, xử lý hai tướng lĩnh công an và một số cán bộ khác của bộ có vi phạm.
Bộ trưởng nhấn mạnh đây là bài học rất đắt giá và khẳng định chắc chắn sẽ không để xảy ra những vụ tương tự như Vũ Nhôm liên quan đến ngành công an nữa.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn: dư luận bức xúc về việc cấp hơn 500 biển số xe 80 cho doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, vậy Bộ đã thu hồi hết chưa và đã xử lý trách nhiệm ai chưa?
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ có thông tư quy định đăng ký quản lý phương tiện giao thông phân cấp quản lý biển số xe các phương tiện giao thông. Vừa qua chủ động phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định. Qua kiểm tra khoảng 500 biển số thì thấy rằng đa số thực hiện theo đúng quy định theo thông tư, đúng thẩm quyền.
Nhưng đối chiếu thực tế cũng là sự vận dụng nên Bộ đã thu hồi gần như toàn bộ số biển số xe, còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được vì đơn vị giải tán hay xe đó hết thời hạn lưu hành, tiếp tục truy tìm để thu hồi.
Chúng tôi có tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký sử dụng biển số đi vào nền nếp theo đúng quy định, bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Đai biểu Thuý tranh luận: nếu cấp đúng quy định thì tại sao lại thu hồi?
Bộ trưởng hồi âm, "Việc cấp biển số xe cho các đơn vị này không đúng nhưng vẫn phù hợp với quy định trên thực tế là Bộ trưởng Công an có thẩm quyền cấp biển cho một số trường hợp. Hầu hết các xe được cấp biển đều có sự đồng ý của lãnh đạo Bộ. Vậy nên chúng tôi đã chủ động sửa thông tư này khi thấy quy định chưa phù hợp".
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, đại biểu còn chất vấn Bộ trưởng về tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, tội phạm trong thi cử, tội phạm công nghệ cao...
Trả lời những chất vấn này, Bộ trưởng nêu lại khá nhiều thông tin tại báo cáo đã gửi trước đó.
Riêng với chất vấn về tội phạm tín dụng đen lộng hành ngang nhiên nhưng xử lý chưa kịp thời, Bộ trưởng nói đây vừa là tội phạm hình sự nhưng cũng rất khó phân biệt với tội phạm về kinh tế vì ranh giới mong manh.
Theo Bộ trưởng thì sở dĩ tội phạm này còn đất sống vì tiền nhàn rỗi của dân còn lớn, nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh cũng rất lớn nhưng các tổ chức tín dụng chưa giải quyết được cả hai vấn đề.
Giải pháp được Bộ trưởng nhấn mạnh là nếu huy động được tiền nhàn rỗi của dân và để doanh nghiệp cũng như nhân dân tiếp cận được vốn thì tín dụng đen sẽ không còn đất sống nữa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng "chia lửa": bản chất của hoat động tín dụng đen là cho vay dân sự và phục vụ cho các khoản vay nóng lãi suất cho vay rất cao và không cần cam kết. Hìhh thức chủ yếu là hụi họ hoặc cho vay trực tiếp. Đối tượng vay có nhu cầu rất cấp bách trong đó có những doanh nghiệp và người dân đến hạn trả nộ nhưng không vay được tín dụng chính thức.
Theo Thống đốc thì Chính phủ đã chỉ đạo xử lý quyết liệt tình trạng tín dụng đen, có nhiều giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chính thức cho vay vốn, phần nào giải quyết nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới sẽ mở thêm các chi nhánh, cung ứng dịch vụ thanh toán phuc vụ nhu cầu vốn và thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi và đặc thù để người dân tiếp cận vốn dễ hơn, Thống đốc cho biết thêm.