July 25, 2021 | 14:22 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cập nhật việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ sau 15 ngày

Quang Trung -

Qua 15 ngày triểu khai gói 26.000 tỷ, nhìn chung thông thoáng về hồ sơ, về thủ tục, rút ngắn về thời gian, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với gói 62.000 tỷ trước đó...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 25/7, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 được nhiều đại biểu quan tâm, nêu vấn đề.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã được mời giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trị giá 26.000 tỷ USD và gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 trị giá 62.000 tỷ trước đó.

GÓI 62.000 TỶ "CHƯA ĐƯỢC NHƯ MUỐN" NHƯNG ĐÃ HỖ TRỢ 14,4 TRIỆU NGƯỜI

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết, những tháng đầu năm 2021, nhất là đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư từ ngày 27/4 đến nay diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp là 2,52%. Khu vực dịch vụ ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh với một số ngành đã suy giảm năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn. Bộ trưởng dẫn số liệu cho biết khu vực lữ hành giảm sâu 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%. Khoảng 70.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường.

Quan trọng hơn, dịch bệnh hiện đã tấn công vào thành trì rất quan trọng của nền kinh tế, đó là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách. Đây là khu vực chiếm tỷ lệ lao động lớn với xấp xỉ 4 triệu người, trong đó TP.HCM có 1,6  triệu, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai 1,2 triệu và một số địa phương như Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội có tỷ lệ lớn lực lượng lao động trực tiếp.

Do dịch bệnh bùng phát, một số khu công nghiệp, doanh nghiệp tạm thời phải dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động tạm ngừng việc, Bắc Ninh 42.000 người. 

Tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.

“Trong điều kiện khó khăn đó, Quốc hội là Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động như giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động. Đến nay, theo Báo cáo và giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã hỗ trợ 168.800 tỷ đồng cho các lực lượng trên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ trưởng, riêng Nghị quyết 42, với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, được đưa ra trong thời điểm chưa có tiền lệ, triển khai trong thời gian gấp.

"Tuy chưa được như mong muốn, nhưng qua ngân sách Nhà nước và các chính sách, đã hỗ trợ xấp xỉ 39.000 tỷ đồng cho 14,4 triệu người thụ hưởng. Trong đó, riêng ngân sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 13.000 tỷ đồng", Bộ trưởng thông tin và cho biết vấn đề này Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng kết nghị quyết và đề xuất ra các chủ trương.

15 NGÀY, GIẢI NGÂN 4.300 TỶ, HỖ TRỢ 11 TRIỆU NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, riêng trong đợt dịch lần thứ 4, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền và Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

“Qua triển khai, đến nay, đúng 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Nhìn chung thông thoáng về hồ sơ, về thủ tục, rút ngắn về thời gian, giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với gói Nghị quyết 42”, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo.

Lấy ví dụ về việc này, Bộ trưởng cho biết có những chính sách thậm chí không yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi thông tin đã có trên cơ sở dữ liệu. 

Báo cáo cụ thể về tình hình triển khai gói hỗ trợ này 15 ngày qua, Bộ trưởng Đào Ngọc dung cho biết, đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch, chủ trương và đang triển khai Nghị quyết, nhiều địa phương đạt kết quả cao. 

“Đến ngày 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng”, Bộ trưởng cho biết. 

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1. Đến nay, có 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại năm 5.922 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. 

Ngoài ra, ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn. Qua một tuần triển khai, đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 13.577 lao động - gấp 10 lần gói 62.000 tỷ đồng.

Đề cập tới việc triển khai Nghị quyết 135 Quốc hội khóa XIV, về hỗ trợ Tổng công ty Hàng không, Bộ trưởng cho biết, sáng nay của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã ký với Tổng công ty Hàng không 4.000 tỷ đồng và đến hôm nay ngân hàng đã tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng và đã giải ngân được 600 tỷ đồng theo yêu cầu, sang tuần sau sẽ giải ngân nốt phần còn lại.

“Nhìn tổng quát cho thấy, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai, đối tượng thụ hưởng đang dễ dàng tiếp cận chính sách hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu, tổng kết toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới cho kịp thời.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate