November 08, 2023 | 10:51 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nguồn lực xuất khẩu lao động đem về mỗi năm 3,5 - 4 tỷ USD cho đất nước

Phúc Minh -

Nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trung bình mỗi năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 – 4 tỷ USD, người lao động chủ yếu làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 8/11, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ thông tin về kế hoạch đảm bảo xuất khẩu lao động có cơ cấu hợp lý, để vừa một mặt đảm bảo quyền lợi của người dân, một mặt không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu công nghiệp của các thành phố lớn. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh - Quochoi.vn.

Trả nời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, thực hiện theo tinh thần của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hiện trung bình mỗi năm nước ta đưa được khoảng 120.000 - 143.000 người đi lao động ở nước ngoài.

Trong đó riêng năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, đã đưa được khoảng 112.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản 55.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) 30.000 người.

"Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 – 4 tỷ USD", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bộ trưởng Dung cho biết, để phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong các Nghị quyết. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này.

Cùng với đó, Bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, đơn cử với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phù hợp hơn, người lao động cũngphát huy được năng lực, kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, có quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa..., nhằm tận dụng sở trường của người lao động.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là tạo điều kiện cho nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh - Quochoi.vn.

Về quy mô lực lượng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm Bộ giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 -1,7 triệu lao động trong nước, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay khoảng 130.000 – 140.000 mỗi năm, chiếm khoảng 10%.

Tỷ lệ lao động làm việc ở nước ngoài hiện được duy trì thường xuyên ở nức 500.000 – 650.000 người. "Quy mô này là vừa phải", Bộ trưởng Dung cho hay.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho biết, căn cứ nhu cầu lao động trong nước ở từng thời điểm, nếu tăng lên sẽ có chính sách để cân đối, điều chỉnh giảm số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, nhằm giữ tỷ lệ phù hợp không ảnh hưởng đến trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn phù hợp để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đảm bảo cơ cấu lao động trong nước.

"Việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc sẽ giữ một tỷ lệ phù hợp và không ảnh hưởng đến quy mô lực lượng lao động trong nước", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate