June 19, 2019 | 17:03 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường

Mạnh Chung

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi đến thăm Thời báo Kinh tế Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Đào Nguyên Cát - Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Đào Nguyên Cát - Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.

"Hãy nhận nhiều hơn sứ mệnh quốc gia về tờ báo, đồng hành trong những khát vọng mới của Việt Nam. Khát vọng đấy là 2030 trở thành một nước thu nhập trung bình cao và 2045 trở thành nước phát triển công nghiệp thịnh vượng", Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chia sẻ khi đến thăm và chúc mừng Thời báo Kinh tế Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), sáng 19/6.

Thay mặt tập thể Lãnh đạo, cán bộ nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, Giáo sư Đào Nguyên Cát - Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đã chào đón và cám ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã tới thăm Tòa soạn nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp, GS. Đào Nguyên Cát đã chia sẻ những trăn trở, khó khăn của báo chí nói chung và của Thời báo Kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, GS. Đào Nguyên Cát khẳng định trước Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ nỗ lực, làm hết sức mình, đồng thời sẽ đồng hành trên mặt trận báo chí với Bộ trưởng để giúp Đảng phát động được trí tuệ của 100 triệu người dân Việt có khát vọng trở thành quốc gia hùng cường.

Báo chí - cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường

Chia sẻ với tập thể cán bộ nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam về mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển công nghiệp thịnh vượng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói năm 2045, ngoài ý nghĩa kỷ niệm tròn 100 năm đất nước độc lập, thì nghĩa thứ hai lớn hơn rất nhiều - đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước hùng cường. Và chỉ khi chúng ta thành nước hùng cường thì mới giữ được hòa bình cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong quá khứ chúng ta có nhiều cuộc chiến tranh và một trong những lý do của chiến tranh là mình yếu. Muốn bảo vệ được mình thì phải mạnh. Giờ Việt Nam muốn trở thành một quốc gia phát triển. Trong đó, con số nói tới của một nước công nghiệp phát triển phải là GDP/đầu người là 20 nghìn USD. Điều đó chỉ đến khi 100 triệu người Việt Nam có chung khát vọng - đó là khát vọng Việt Nam hùng cường.

Ông cho rằng, để đẩy dân tộc lên đến mức độ phát triển cao không có gì khác ngoài khát vọng. Hiện giờ, các tài nguyên khác đã cũng tới hạn, còn mỗi tài nguyên trong não mỗi người Việt Nam và tài nguyên đấy chỉ duy nhất kích hoạt cho nó một giấc mơ, cho nó một sứ mạng, một khát vọng.

Cách nào để tạo ra khát vọng đấy? Chính là báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông chia sẻ, báo chí Việt Nam rất đặc biệt. Do người Việt đọc báo nhiều, đọc tin nhiều, đọc sách không nhiều nên báo gánh vai luôn cả quyển sách. Nên khi mình có sứ mạng lớn hơn có khá nhiều cái lợi, như thấy hưng phấn hơn, mở ra được nhiều không gian hơn. Nếu nhằm vào mục tiêu không to thì không gian hẹp, còn đặt mục tiêu to hơn thì không gian sáng tạo của mình rộng hơn rất nhiều.

Thứ hai, khi đặt mục tiêu lớn, trên đường đi nếu gặp những chướng ngại thì thấy nó nhỏ. Chướng ngại bản chất là sự so sánh giữa chướng ngại và sứ mạng của mình. Nếu đặt ra sứ mạng cao thì thấy chướng ngại trên đường đi nhỏ đi.

Theo Bộ trưởng, sứ mạng lớn có điểm hay nữa là hội tụ được nhiều người tài. Người ta chỉ tìm về những ngọn cờ cao. Ngọn cờ thấp thì người ta ít khi tìm đến. Đến khi mình đặt một ngọn cờ cao thì nhiều người tài sẽ về hợp sức với mình. "Sứ mạng cao thì kích hoạt được toàn bộ tiềm năng ẩn trong mỗi cá nhân, tất nhiên nó có thể cũng đòi hỏi anh em báo chí phải hi sinh nhiều hơn nhưng mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn", ông nói.

Báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn

Bên cạnh sứ mệnh của báo chí cho một khát vọng Việt Nam hùng cường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với tập thể Lãnh đạo cán bộ nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam về những khó khăn nói chung đối với báo chí hiện nay, trong đó có kinh tế báo chí.

Ngoài kinh tế báo chí, theo Bộ trưởng còn có nhiều khó khăn khác. Thứ nhất là một ngày có hàng trăm triệu tin, tức là trăm triệu sự việc xảy ra. Mỗi một sự việc lại nhìn ra những góc nhìn khác nhau, lát cắt khác nhau. Báo chí bây giờ trước cả rừng thông tin như thế thì chọn cái gì để đưa và bộ lọc của mình như thế nào? Hay triết học trong việc chọn tin để đưa ra sao?

Khó khăn thứ hai trong suốt chặng đường làm báo là con người có phần con và phần người. Nếu "tấn công" vào phần "con" thì rất nhiều người đọc, rất nhiều "view" nhưng lại đẩy phần con của con người lên, và như thế là mình làm hỏng mất con mình, cháu mình, là hỏng xã hội. Nhà báo đứng trước một khó khăn như thế và đấu tranh trong từng cá nhân hàng ngày hàng giờ, và từng tờ báo.

Nên mình phải cân bằng, đẩy phần người lên và vẫn phải sống được. Còn nếu khai thác phần "con" thì nhiều người đọc lắm nhưng như thế hạ thấp dân tộc mình xuống.

Khó khăn thứ ba là mình đang có tờ báo 100 triệu "phóng viên", nói tiếng Việt, đang ở Việt Nam và có 5 triệu người nói tiếng Việt nhưng không ở Việt Nam và 7 tỷ người không nói tiếng Việt trên thế giới. Tức là có 7 tỷ "phóng viên" nhưng không phải trả tiền cho 7 tỷ phóng viên. Trong khi mỗi tờ báo lại phải trả lương nên tương quan lực lượng là không dễ chút nào. Nên phải tìm cách ứng xử trong bối cảnh đó.

Và khó khăn thứ 4, theo ông, là tin vào đầu 100 triệu người Việt Nam bằng nhiều nguồn và đi từ mạng xã hội nhiều hơn là đi từ báo, nhưng người dân thì "cứ thông tin là báo chí" và cứ có tin trên mạng xã hội là nghĩ ngay đó là báo chí. Nhiều người không phân biệt là mạng xã hội hay là tờ báo nên phóng viên bây giờ lại phải gánh cả cái xấu của mạng xã hội dồn lên.

Giá trị cốt lõi của báo chí chưa bao giờ được đề cao như lúc này

"Nhưng mình phải sống trong môi trường đấy, chẳng có cách nào khác cả", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ và cho rằng, báo chí phải nhận lấy việc đấy - là lực lượng nòng cốt để làm cho không gian lành mạnh. Tiếng ồn do tin giả (fake news) trên mạng xã hội có thể dập tắt báo chí, dập báo chí xuống, nhấn chìm báo chí trong tiếng ồn, cho nên theo Bộ trưởng, báo chí phải đứng lên nhận sứ mệnh tạo ra sự trong sạch.

Nhìn khó khăn vậy nhưng cũng có thuận lợi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đó là những giá trị cốt lõi của báo chí bây giờ lại được đề cao hơn bao giờ hết. Bây giờ một tin có kiểm chứng thì mọi người rất mong đợi vì trong bối cảnh tin giả quá nhiều. Hay mình có nguồn lực thực hiện các bài phóng sự, điều tra, các bài viết sâu, mang tính phân tích thì trên mạng xã hội khó có hơn. Hay mình là nghề nghiệp, đạo đức nên bao giờ cũng đặt lợi ích cộng đồng lên trước, thì báo chí hơn hẳn.

Nhưng ông cũng cho rằng, chính mạng xã hội, chính không gian đấy, hàng triệu người trên đó lại làm cho báo chí khẳng định lại những giá trị cốt lõi của mình. Lúc này báo chí rất nhiều khó khăn, nhiều thách thức nhưng sự vĩ đại chỉ sinh ra trong thời buổi khó khăn, chứ chưa bao giờ sự vĩ đại sinh ra trong thời dễ dãi.

"Hơn nữa khi anh em báo chí bị đẩy vào thế khó khăn thì chúng ta trở nên thông minh hơn, dẻo dai hơn, được tiếp năng lượng trời đất hơn, để cho mình mạnh mẽ hơn, nhiều năng lượng hơn và đi được xa hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại buổi thăm và chúc mừng Thời báo Kinh tế Việt Nam của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sáng 19/6 - Ảnh: Việt Tuấn:

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí là cầu nối cho khát vọng Việt Nam hùng cường - Ảnh 5.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate