Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở cách làm cho báo chí trong giai đoạn hiện nay.
"Báo chí gần chục năm qua đã giảm gần 3 lần nguồn thu và lâm vào khó khăn. Vậy có cách nào để nguồn thu tăng 3 lần không?", Bộ trưởng nêu vấn đề.
"Nếu vẫn cứ là quảng cáo dựa trên "view" thì chắc sẽ giảm. Nếu vẫn cứ bảo hộ ngược, tức là ưu ái các nền tảng xuyên biên giới và siết chặt báo chí trong nước, thì chắc không phải giảm 3 lần mà sẽ là 4-5 lần. Nếu cứ tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng của doanh nghiệp khác, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, thì không phải giảm 4-5 lần mà tờ báo sẽ biến mất".
Cũng theo Bộ trưởng, “nếu vẫn để người khác quảng cáo gì cũng được trên mặt báo của mình thì tờ báo sẽ không còn thương hiệu nữa. Nếu cứ tiếp tục giật tít, câu view thì thành "lá cải". Mà "lá cải" thì giá cũng "lá cải". Nếu vẫn tiếp tục đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì tờ báo chắc không thể bằng một phần ngàn mạng xã hội, vì họ có hàng chục triệu “phóng viên” ở khắp mọi nơi”.
Vậy thì báo chí sẽ làm gì? Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông gợi ý: “Làm ngược lại những gì đang làm và quay về với những giá trị cốt lõi nhất của báo chí, của báo chí cách mạng Việt Nam”. Bộ trưởng cho rằng, quay về để đi xa hơn. Chỉ có quay về thì mới biết đường đi và đường đi đó có thể là vừa làm giống, vừa làm khác với mạng xã hội.
“Làm giống là hãy biến mỗi tờ báo thành một mạng xã hội nhỏ. Làm giống là tờ báo phải công nghệ nhiều hơn (15-30% lao động là dân công nghệ). Làm khác là tin xác thực, là phân tích, là dữ liệu nhiều hơn, là dẫn dắt, định hướng, là giải pháp nhiều hơn. Làm khác là nguồn thu không chỉ dựa vào quảng cáo”, Bộ trưởng nói.
Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng nhắc tới việc báo chí vừa qua đưa nhiều tin về dịch gây hoang mang cho người dân. Tỷ lệ tin gây hoang mang chiếm tới trên 20% tổng số tin về Covid. Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất format mới về đưa tin cho báo chí theo hướng nhiều thông tin hơn, chứ không chỉ là số ca nhiễm, phân tích nhiều hơn, có nhìn rộng ra tình hình phòng chống dịch của thế giới.
Việc đưa tin để người dân biết cách phòng chống dịch để tuân thủ. Đưa tin để những kinh nghiệm tốt được chia sẻ, vì chống dịch Covid là chưa có tiền lệ. Đưa tin để người dân có niềm tin và ủng hộ chính quyền chống dịch. Đưa tin để tinh thần tương thân tương ái Việt Nam được lan toả. Đưa tin để Việt Nam tận dụng cơ hội Covid để chuyển đổi nhanh lên môi trường số, để sau Covid chúng ta sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới- một xã hội được số hoá toàn diện, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 20/6/2021, cả nước có tổng số 798 cơ quan báo chí, trong đó 139 báo (Trung ương là 66 và địa phương là 73), 659 Tạp chí (Trung ương là 566 và địa phương là 93).
Đến nay, Bộ đã thực hiện cấp đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 cho các báo, tạp chí in và điện tử theo Quyết định số 921a/QĐ-BTTTT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Đề án cấp, đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025. Tính đến ngày 24/6/2021 đã cấp 9.086 thẻ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, cơ bản các cơ quan báo chí bám sát thực hiện quy định pháp luật về báo chí, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong điều chỉnh liều lượng, nội dung trong thông tin về phòng, chống dịch bệnh Cocid-19 nhằm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra trong 6 tháng cuối năm 2021, là tiếp tục chỉ đạo, định hướng báo chí thực hiện tuyên truyền có hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tuyên truyền việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid -19 vừa phát triển kinh tế xã hội…