June 05, 2024 | 19:40 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao

Nhật Dương -

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sau đại dịch Covid-19 nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện đang thiếu, chất lượng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Do đó, để nâng cao chất lượng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, tổ chức thi tay nghề tiến tới nhân lực du dịch trong nước sẽ tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN....

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu thực tế nguồn nhân lực du lịch hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới nổi như Ấn Độ.

NHÂN LỰC DU LỊCH VẪN CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

Vấn đề này tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong phiên chất vấn chiều 5/6.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn tỉnh Quảng Ngãi dẫn thông tin theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Qua đó, đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước, như hiện nay lao động các nước Đông Nam Á có thể đến làm việc tại Việt Nam.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Quochoi.vn.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị có giải pháp quản lý đối với hướng dẫn viên tại các điểm đến.

Theo đại biểu Phúc, thời gian qua, công tác đào tạo, quản lý đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên đã được quan tâm, tạo điều kiện để họ làm tốt vai trò kết nối, quảng bá văn hóa Việt Nam, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, giáo dục truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế cũng có hạn chế trong việc quản lý đối với hướng dẫn viên tại các điểm đến chưa chặt chẽ. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết những giải pháp để khắc phục hạn chế nêu trên.

Đại biểu cho rằng giải quyết vấn đề này không chỉ tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được phát huy tối đa vai trò truyền thông kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, mà còn giáo dục truyền thống nhưng không bỏ ngỏ công tác quản lý hướng dẫn viên tại các điểm đến.

Số này bao gồm cả hướng dẫn viên Việt Nam và hướng dẫn viên nước ngoài trong hoạt động lĩnh vực du lịch Việt Nam, đặc biệt là các điểm đến có yếu tố văn hóa truyền thống và yếu tố lịch sử của dân tộc.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quochoi.vn.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn tỉnh Quảng Ngãi về giải pháp để nâng cao trình độ nhân lực du lịch chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau đại dịch, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay đang thiếu. Trong nhân lực du lịch hiện cơ cấu thành 3 loại, đó là nhân lực làm tại các cơ sở lưu trú, số này chiếm 70%, 20% là nhân lực lữ hành, còn lại 10% làm việc tại các đơn vị khác.

Hiện nay, Bộ đang quản lý 8 trường cao đẳng du lịch công lập theo từng vùng, đào tạo ra đều được các doanh nghiệp tiếp nhận. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng tự đào tạo như Sài Gòn Tourist, Hà Nội Tourist…

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân lực làm du lịch, sau đó tổ chức thi tay nghề. Nhân lực cần được tiếp cận theo chuẩn nghề trong ASEAN. Bên cạnh đào tạo, tự thân người lao động cũng cần cố gắng để nâng cao kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu.

SIẾT ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ VỚI HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH

Về câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến giải pháp cho hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết theo Luật Du lịch, hướng dẫn viên để được cấp thẻ hoạt động, đối với hướng dẫn viên quốc tế sẽ do Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch) cấp.

Còn hướng dẫn viên trong nước sẽ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương cấp khi họ đạt chuẩn các yêu cầu theo quy định của Luật Du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin thời gian qua, có một số công ty lữ hành, một số điểm đến, do thiếu nguồn nhân lực, nên đã sử dụng một số hướng dẫn viên không đạt chuẩn, cá biệt có sử dụng người ngoài dẫn đến giới thiệu sai về các sản phẩm du lịch. Đáng chú ý, có những sai sót cả về kiến thức, văn hóa, và lịch sử.

 “Sau khi phát hiện, Bộ đã cho thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng này, đồng thời quản trị tốt điểm đến. Chỉ những người đáp ứng đủ điều kiện mới được hành nghề”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Hiện nay, mức độ vẫn ở chấn chỉnh, nhắc nhở, còn nếu cố tình vi phạm Bộ sẽ chuyển cho cơ quan điều tra. Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tăng cường đào tạo để cấp chứng chỉ đạt chuẩn cho hướng dẫn viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, quản lý điểm đến để đảm bảo chất lượng hướng dẫn viên du lịch…

Cũng quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần chú trọng đến nhân lực có trình độ để phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống chủ yếu vào nghề nông nghiệp. Qua tìm hiểu, đại biểu cho biết mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ các giải pháp để thu hút, cũng như đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quochoi.vn.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy đã có nhiều chương trình riêng để phát triển khu vực này. Qua đó rút ngắn khoảng giữa miền ngược và miền xuôi, giữa đồng bằng và đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu rõ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cử các nhóm chuyên gia du lịch nhằm hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách làm du lịch cộng đồng. Từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tránh việc tự phát, hoạt động không quy củ, không bài bản.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị dựa trên văn hoá bản địa, đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, dựa trên yếu tố đặc thù văn hoá và yếu tố của tự nhiên. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate