Đại dịch toàn cầu tiếp theo có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và thế giới phải bắt đầu chuẩn bị cho điều đó từ bây giờ - Bộ trưởng cấp cao Tharman Shanmugaratnam của Singapore nói với hãng tin CNBC tại hội nghị thượng đỉnh khối 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Italy.
“Chúng ta không thể đợi cho tới khi Covid kết thúc mới bắt đầu chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, vì đại dịch tiếp theo có thể xảy đến bất kỳ lúc nào”, ông Tharman nhấn mạnh. “Việc cần làm là vừa nỗ lực chống Covid, vừa phát triển năng lực cần thiết để ngăn chặn một đại dịch mới”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, Covid đến nay đã lây nhiễm hơn 186 triệu người trên toàn cầu và khiến ít nhất hơn 4 triệu người tử vong – theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn đang được đẩy nhanh tại các quốc gia, nhưng sự xuất hiện của các biến chủng mới, nhất là biến chủng Delta, đang đe doạ đảo ngược mọi nỗ lực chống dịch.
Hôm thứ 6, một hội thảo chuyên gia toàn cầu trong khuôn khổ hội nghị G20 đã đưa ra báo cáo đề xuất các biện pháp chống dịch và phản ứng nhanh đối với bất kỳ một đại dịch nào khác trong tương lai. Ông Tharman đã đồng chủ trì hội thảo này cùng với cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larrt Summers và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala.
Các biện pháp đề xuất trong báo cáo bao gồm “tìm nguồn vốn tốt hơn và đáng tin cậy hơn” cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như huy động các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ vốn cho cuộc chiến chống đại dịch nếu xảy ra trong tương lai – ông Tharman cho hay.
Vị Bộ trưởng cấp cao của Singapore nói thêm rằng hệ thống quốc tế hiện nay cho việc phản ứng với một đại dịch toàn cầu vẫn còn “manh mún” và “không được cấp ngân quỹ đầy đủ”. Để lấp đầy khoảng trống đó, hội thảo chuyên gia đề xuất thiết lập một quỹ toàn cầu mới với số vốn đóng góp tối thiểu là 10 tỷ USD mỗi năm.
“Hệ thống y tế toàn cầu hiện nay được quản trị bởi Hội đồng Y tế Thế giới và WHO, nhưng không có một cơ chế phối hợp giữa tài chính với y tế. Đó chính là điều còn thiếu”, ông Tharman nói. “Đó là lý do vì sao hệ thống y tế không được cấp vốn đầy đủ. Hệ thống y tế chỉ phản ứng sau khi có sự kiện, khi xảy ra khủng hoảng, nhưng không thể chủ động chặn trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.