Sáng 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là người trả lời chất vấn đầu tiên.
Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường gồm: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; Giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
ĐẨY MẠNH THANH KIỂM TRA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ NGHIÊM CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VI PHẠM
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn, đoàn Thái Nguyên, cho biết công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường. Những điều này cũng được thể chế hóa tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên trái phép, Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào? Đặc biệt là đối với kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đại biểu cũng nhấn mạnh việc đưa ra giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra để xử lý những hành vi vi phạm này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh mẽ ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Trong 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp. Sau khi xử phạt hành chính nếu tiếp tục sai phạm sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này.
Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành tiếp tục thanh tra, xử lý nghiêm để vi phạm trong khai thác khoáng sản.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm, đề cao trách nhiệm vai trò người đứng đầu các cấp, đồng thời cả hệ thống chính trị cùng giám sát, thanh kiểm tra gắn với giám sát để phát hiện sớm, xử lý sớm các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên là tài sản của quốc gia.
KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN PHẢI TÍNH ĐẾN CHẾ BIẾN SÂU, CHẾ BIẾN TINH
Trước vấn đề đại biểu Lò Thị Việt Hà nêu về việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu chính là đảm bảo an ninh quốc gia.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 48 khu vực với 10 loại khoáng sản quan trọng cần dự trữ cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội. Trong Nghị định 51 về quản lý khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, ngoài quy định đầu tư thực hiện diện tích khu vực dự trữ khoáng sản, còn quy định tiêu chí để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bộ trưởng khẳng định với các khoáng sản, chúng ta không thể khai thác hết cùng lúc, mà có những khu vực khoanh vùng để dự trữ, đảm bảo cho sự phát triển dự trữ quốc gia, đảm bảo yêu cầu và việc sử dụng khoáng sản.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cân đối giữa các dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược quan trọng là mục tiêu của chiến lược và đã được Chính phủ ban hành. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện vấn đề này, khoanh vùng các khu vực dự trữ khoáng sản theo quy định.
“Muốn có dự trữ khoáng sản, chúng ta phải điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thiết yếu, quan trọng, tuy nhiên nguồn lực cho vấn đề này còn thiếu. Thủ tướng sẽ quyết định phân kỳ theo lộ trình, khai thác và chế biến như thế nào, khu vực nào được dự trữ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ông Khánh mong muốn có thêm nguồn lực cho vấn đề này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành địa phương, căn cứ vào định hướng chiến lược các ngành, căn cứ vào nhu cầu, báo cáo Thủ tướng để khoanh vùng khoáng sản trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình, đề nghị Bộ trưởng làm rõ về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua khi đây là vấn đề được các nước quan tâm trong khi ta là nước có tiềm năng lớn?
Trả lời đại biểu về chiến lược khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Đề án điều tra cơ bản. Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm cần phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.
Trong quá trình thực hiện cần gắn với tiềm năng lợi thế và các ngành công nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng thông tin, hiện nay đang chuyển giao công nghệ để cố gắng chế biến sâu, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Bộ và các bộ ngành, nhất là các địa phương như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai phải tăng cường công tác quản lý về đất hiếm, tránh việc khai thác, buôn bán trái phép...