Tiếp tục thảo luận tại Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết những ngày qua đã lắng nghe ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước thiên tai và hậu quả ở miền Trung.
Bộ trưởng dẫn báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho biết biến đổi khí hậu cực đoan cực đoan tăng gấp 4 lần về cường độ và tần suất trong 40 năm qua, trong đó bão lũ chiếm khoảng 40%. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong khu vực trung tâm bão của tây nam Thái Bình Dương, là một trong những nước có cực đoan và rủi ro thiên tai cao nhất.
Do vậy, Bộ trưởng cho rằng không nên suy đoán nguyên nhân những sự cố sạt lở do đất đá ở miền Trung vừa qua, mà phải có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ, bởi lúc này đưa ra kết luận là "quá sớm".
"Tuy nhiên, theo thông tin cho tới nay, nguyên nhân là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, trong đó cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa được tính toán vượt qua con số từ 2.000 đến 4.000 mm", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở trạm kiểm lâm 67, Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Phước Sơn), đoàn 337… ở độ cao từ 300-900 m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra độ trượt, tạo ra đứt gãy…; cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt.
"Do đó, nếu kết luận thì đây chưa có vấn đề do thủy điện. Thủy điện Trà Leng 3 hiện nay chưa xây dựng. Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù hồ chứa miền Trung không có khả năng cắt lũ nhưng sự điều tiết rất nhịp nhàng và rất chặt chẽ, khoa học đã cắt giảm được lũ ở hạ du từ 30 đến 70%. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, vấn đề không nằm ở các thủy điện nhỏ bởi ở Na Uy cũng rất nhiều thủy điện nhỏ.
"Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán tự thiết kế được các công trình này mà hài hòa được với tự nhiên thì vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng mà không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên", Bộ trưởng nhận xét.
Bộ trưởng cho rằng không thể không chuyển đổi mục đích bởi sẽ không có không gian phát triển đô thị, nhưng phải xác định chức năng những khu vực cần phải giữ, phải bảo vệ, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên.
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết qua khảo sát thực tế, báo cáo của địa phương và đánh giá của cơ quan chức năng, sạt lở đất gây ra thiệt hại nghiêm trọng miền Trung vừa qua gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng không phủ nhận câu chuyện liên quan đến mất rừng đầu nguồn có tác động của con người, trong đó có các dự án thuỷ điện.
Giải pháp được đưa ra là nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn, đặc biệt là lập bản đồ khu vực sụt lún, nguy cơ diễn biến cực đoan. Về thủy điện cần phải tăng cường quản lý hơn nữa.
"Tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành để có đánh giá cụ thể, chính xác, chặt chẽ về những hạn chế, tích cực để có tham mưu kịp thời cho Chính phủ siết chặt quản lý đối với thuỷ điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực nếu có, cũng như khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước", Bộ trưởng cho biết.