Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là về tình trạng “loạn giá” xét nghiệm Covid-19 thời gian qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt câu hỏi về việc liệu có hay không việc Bộ Y tế buông lỏng quản lý trong vấn đề này.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định, trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán không thuộc danh mục mặt hàng quản lý giá của Luật giá. Ngoài ra, giá cả của các mặt hàng cũng khác nhau do nhà sản xuất, xuất xứ khác nhau và do thời điểm.
Bộ trưởng nhắc lại thời điểm đầu năm 2020, nhiều mặt hàng như: khẩu trang, găng tay, máy thở cũng bị đẩy lên cao do các nước tranh mua.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, giá cả các mặt hàng đã giảm.
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Y tế cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát giá cả mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm như từng bước minh bạch hóa cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế, yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải công khai giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
“Đến nay, đã có hơn 69.000 sản phẩm niêm yết giá và hơn 93.000 kết quả đấu thầu được niêm yết giá trên cổng thông tin. Từ đó, các đơn vị tham khảo, xây dựng kế hoạch đấu thầu và triển khai đấu thầu cung ứng cho địa bàn của mình”, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng liên tục yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung cho thị trường, hạ giá thành, tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị, tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm…
“Hiện nay, chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28”, Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả.
“Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20). Điều này được cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành”, Bộ trưởng nêu rõ, “Bộ Y tế cũng liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm hiệu quả, tiết kiệm”.
Cùng với đó, Trưởng ngành Y tế cho biết Bộ Y tế đã liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, từ ngày 1/7, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”. Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.
“Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải trình.
Ông cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực xét nghiệm để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập và xử lý nghiêm những sai phạm.
“Bộ Y tế đã có văn bản và Thủ tướng đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao Việt Nam đã sản xuất được bộ kit xét nghiệm Covid-19 nhưng vẫn phải nhập từ nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong nước hiện có Công ty Việt Á, Học viện Quân Y, Công ty Thái Dương đang triển khai sản xuất test RT-PCR. Còn về xét nhanh kháng nguyên, Bộ đang cố gắng để chủ động nguồn cung.
Cũng tại phiên thảo luận, vấn đề phân bổ vaccine cũng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc phân bổ vaccine được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, phân bổ theo các khu vực ưu tiên, các địa bàn trọng tâm, trọng điểm...
“Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn… Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất”, ông Long cho biết.
Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ trưởng Y tế cho biết trước mắt sẽ phân bổ vaccine để tiêm tại các địa bàn trọng điểm và cố gắng bao phủ toàn quốc trong tháng 11.
Còn về tiêm mũi vaccine 3, Bộ trưởng cho biết Bộ mới xây dựng kế hoạch và dự kiến thực hiện vào cuối 12 năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt vẫn ưu tiên là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất.
“Mục tiêu là trong 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi và người có bệnh nền”, ông Long nêu rõ.