Chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì Hội đồng thẩm định chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế). Trình bày dự thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban Chính sách thuế, Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019 (thay thế cho Luật năm 2006 và các Luật sửa đổi, bổ sung), gồm 17 chương, 152 điều, với hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Sau hơn 05 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ một số bất cập do chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Nhiều pháp luật chuyên ngành có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự chưa đồng bộ pháp luật; xu hướng cải cách thuế của các nước tập trung vào việc hiện đại hóa toàn diện hệ thống quản lý thuế thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) nhằm đẩy mạnh việc hiện đại hóa và chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý thu thuế, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế với ba trụ cột chính: Tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Nâng cao hiệu lực và trình độ quản lý thuế; Thúc đẩy số hóa quy trình quản lý thuế.
Đồng thời, khắc phục các bất cập của Luật Quản lý thuế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan thuế trong việc chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông để thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.
Hồ sơ chính sách của Luật Quản lý thuế (thay thế) gồm 06 nhóm chính sách: Đơn giản thủ tục hành chính trong quản lý thuế; Phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý thuế; Tự động hóa và chuyển đổi số trong quản lý thuế; Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết; Hoàn thiện quy định về tổ chức quản lý thuế.
Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng góp ý một số nội dung cụ thể về nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về việc báo chí sử dụng các thông tin kết luận của cơ quan thuế; bổ sung bảng đánh giá thủ tục hành chính và báo cáo kết quả tham vấn ý kiến; nghiên cứu, làm rõ mục tiêu pham vi của từng nhóm chính sách; các chính sách cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý thuế; các thủ tục hành chính thuế phải được thiết kế đơn giản hóa để dễ thực hiện nhưng phải đảm bảo thực hiện theo chủ trương của nhà nước về quản lý thuế, nhất là công khai minh bạch trong quản lý thuế; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả (đơn giản hóa thủ tục về hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin; quy định rõ ràng và mở rộng thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho các cấp); tính hợp lý, công bằng chính sách giữa các đối tượng nộp thuế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nêu rõ để đảm bảo đủ điều kiện trình Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý hồ sơ đề xuất chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) cần đảm bảo đúng quy định; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và các chính sách được đề xuất; giải quyết được các vấn đề thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trong đó lưu ý nội dung vấn đề tham vấn ý kiến và báo cáo chính sách.