Đây là một số nội dung tại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Xây dựng năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành (Quyết định 464/QĐ–BXD).
Theo đó, về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, lãnh đạo Bộ yêu cầu: các đơn vị liên quan rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân; Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Đồng thời triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng của các dự án khởi công mới để tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định; Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, thanh tra trong quá trình đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn; Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Về quản lý, sử dụng tài sản công: Kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch; Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công, xử lý nghiêm các sai phạm; Quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên kết nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng; Kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên kết không đúng quy định;
Theo Quyết định 464/QĐ–BXD, năm 2022, ngành xây dựng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu như: diện tích bình quân nhà ở cả nước đạt 25,5m2 sàn/người; Tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt 41,5 -42%...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài; Kiểm soát chặt việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
Rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Tư lệnh ngành Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc Bộ Xây dựng xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 – 2021..