July 09, 2025 | 10:34 GMT+7

Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển các cảng biển tại Tiền Giang

Thiên Ân -

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Xây dựng phê duyệt gồm khu bến Gò Công, Mỹ Tho, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Cảng biển Tiền Giang được quy hoạch đáp ứng cho cả nhu cầu thông qua hàng hóa và du khách. Trong ảnh: Cac du thuyền cao cấp tại bến cảng Mỹ Tho
Cảng biển Tiền Giang được quy hoạch đáp ứng cho cả nhu cầu thông qua hàng hóa và du khách. Trong ảnh: Cac du thuyền cao cấp tại bến cảng Mỹ Tho

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 970/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Tiền Giang gồm các khu bến: Gò Công; Mỹ Tho; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030: Đạt lượng hàng hóa thông qua từ 5.100.000 - 6.600.000 tấn, trong đó hàng container từ 3.500 - 4.700 TEUs; hành khách từ 49.600 lượt khách đến 56.300 lượt khách.

 Về kết cấu hạ tầng, có tổng số sáu bến cảng gồm từ 15 cầu cảng đến 16 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.165 m - 2.465 m. Xác định phạm vi vùng đất, vùng nước phù hợp với quy mô bến cảng và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Tầm nhìn đến năm 2050: Hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 - 6,1 %/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 - 1,25 %/năm. Về kết cấu hạ tầng: hoàn thành đầu tư các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, nhà máy tại khu bến Gò Công; tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Ngoài các bến cảng phục vụ tổng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước, tổng kho dầu khí Soài Rạp nam sông Hậu Petro, bến cảng phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang, quy hoạch chi tiết còn định hướng nghiên cứu đầu tư một cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời tại bến cảng tổng hợp Gò Công. Bến cảng sẽ tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải và khả năng đầu tư hạ tầng các công trình phụ trợ, kết nối đến cảng.

Ngoài ra, còn có bến cảng Bình Đông với hai cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/ khí, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Riêng với khu bến Mỹ Tho, sẽ có một bến cảng, gồm ba cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/ khí, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn.

Quy hoạch còn định hướng phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng đồng bộ hạ tầng bến cảng. Lộ trình đầu tư tùy thuộc vào khả năng bố trí, huy động nguồn lực; trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, thì cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch. Trong đó, luồng Soài Rạp sẽ cải tạo, nâng cấp cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải; luồng Vàm Cỏ sẽ đầu tư cho tàu trọng tải đến 20.000 tấn; luồng sông Tiền sẽ cải tạo, nâng cấp cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn.

Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ban ngành của tỉnh Tiền Giang (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp mới) công bố, kiểm tra, giám sát quy hoạch và thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành hàng hải tại cảng biển Tiền Giang theo thẩm quyền; tham mưu cho Bộ Xây dựng hoặc xử lý theo thẩm quyền nội dung có liên quan về dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu cảng, bến cảng, giao thông kết nối.

Chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, khai thác và các giải pháp quản lý, khai thác các bến cảng thuộc cảng biển Tiền Giang. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch. Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch được duyệt; đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Bộ Xây dựng đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo việc lập các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng; chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch cảng biển và các định hướng phát triển giao thông kết nối cảng biển trong quy hoạch.

Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng, môi trường, quốc phòng, an ninh để giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định trong quá trình chấp thuận, cấp phép đầu tư bến cảng, cầu cảng; Chủ trì quy định, công bố khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển Tiền Giang theo quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate