Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành các chương trình hành động của ngành Xây dựng, trong đó, có xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng được nâng cao; ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ; việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng tài sản công ở những đơn vị thuộc Bộ đúng định mức, tiết kiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn tồn tại một số dạng thức của lãng phí như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thủ tục hành chính còn gây lãng phí thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chậm...
Từ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng có liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật đối với các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: công tác ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật; quản lý hoạt động xây dựng, giám định chất lượng công trình, quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng...; nghiên cứu, xây dựng định hướng chiến lược phòng, chống lãng phí trong ngành xây dựng; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Mặt khác, giải quyết triệt để nguyên nhân dẫn đến lãng phí; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành xây dựng, coi đây là yếu tố quan trọng giúp phòng, chống lãng phí; cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, quyết định chủ trương đầu tư. Tập trung giải quyết dứt điểm những dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án để chống lãng phí, thất thoát.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án; công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đôn đốc hoàn thành công trình đúng tiến độ; đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn (nếu có).
Đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phát triển của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Về tổ chức thực hiện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao và phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cử một bộ phận thường trực công tác phòng, chống lãng phí; tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị này và các quy định có liên quan. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng lãng phí sẽ phải kiểm điểm, có hình thức kỷ luật; giao Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì phối hợp Thanh tra Bộ với và đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng tình hình thực hiện Chỉ thị hàng năm.