April 06, 2021 | 17:28 GMT+7

Bộ Xây dựng yêu cầu loạt chủ đầu tư trả ngay 250 tỷ đồng phí bảo trì

AN NHIÊN

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ đích danh nhiều ông lớn bất động sản còn "om" hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì của 22 chung cư

Dự án Văn Phú Victoria do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư nhiều vi phạm trong quản lý kinh phí bảo trì.
Dự án Văn Phú Victoria do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư nhiều vi phạm trong quản lý kinh phí bảo trì.

Theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014, kinh phí bảo trì chung cư, chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích bán, cho thuê. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người thuê, mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán. Khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển cho ban quản trị gồm cả lãi suất để quản lý, sử dụng.

Quy định là vậy, trên thực tế đã nổ ra nhiều tranh chấp khi chủ đầu tư cố tình không bàn giao lại kinh phí bảo trì cho ban quản trị hoặc sử dụng không đúng mục đích.

 THANH TRA HÀNG LOẠT DỰ ÁN VỀ PHÍ BẢO TRÌ

Trong hàng loạt kết luận thanh tra được ban hành mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư. Từ đó, yêu cầu các chủ đầu tư chuyển trả cho ban quản trị nhà chung cư lên đến 250 tỷ đồng tiền kinh phí bảo trì.

Đơn cử, tại dự án chung cư CapitaLand - Hoàng Thành (Seasons Avenue) của Công ty TNHH Đầu tư CapitaLand - Hoàng Thành, tổng kinh phí bảo trì đã thu được của các căn hộ là 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư mới bàn giao cho ban quản trị 30,5 tỷ đồng, còn lại số tiền chưa bàn giao cho ban quản trị là 43,2 tỷ đồng. Mặc dù Ban quản trị liên tục yêu cầu chủ đầu tư chuyển trả toàn bộ phần kinh phí bảo trì còn lại xong đến tháng 3/2021, chủ đầu tư và ban quản trị vẫn chưa thống nhất được các khoản mục.

Tại các dự án gồm Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), Dự án cho cán bộ nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam tại CT1 Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai); Dự án cụm chung cư Văn phòng quốc hội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp sông Đà 7 làm chủ đầu tư cũng tồn tại nhiều khuyết điểm như mở tài khoản để gửi kinh phí bảo trì tại Ngân hàng chưa kịp thời so với quy định. 

Tại dự án Văn Phú Victoria do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư, kinh phí bảo trì đã thu là 59,8 tỷ đồng. Chủ đầu tư mới bàn giao kinh phí bảo trì khu căn hộ tiền gốc là 38,9 tỷ đồng và lãi 4,4 tỷ đồng, còn kinh phí bảo trì phần diện tích chung khối đế thương mại 27 tỷ đồng chủ đầu tư và ban quản trị vẫn chưa thống nhất được xác định tỷ lệ chuyển giao. 

Bộ Xây dựng yêu cầu loạt chủ đầu tư trả ngay 250 tỷ đồng phí bảo trì  - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng yêu cầu loạt chủ đầu tư trả ngay 250 tỷ đồng phí bảo trì  - Ảnh 2.

Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng số 27/KL-TTr ngày 22/3/2021

Hay tại, dự án khu nhà ở xã hội Hope Residences (Long Biên, Hà Nội), chủ đầu tư Công ty Cổ phần phát triền nhà Phúc Đồng đã thu phí bảo trì là 22 tỷ đồng, tuy nhiên chủ đầu tư đã không đóng 2% kinh phí bảo trì này vào tài khoản kinh phí bảo trì là thực hiện chưa đúng với quy định. 

Tương tự, tại dự án Chung cư Riverside Garden (Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư, công trình được đưa vào sử dụng từ ngày 28/8/2018, kinh phí bảo trì 27 tỷ đồng. Chủ đầu tư không mở tài khoản kinh phí bảo trì có kỳ hạn là không đúng quy định. Chủ đầu tư bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì khu căn hộ cho ban quản trị. Tại thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư không bàn giao tiền gốc còn lại 13,2 tỷ đồng cho ban quản trị…

CHỦ ĐẦU TƯ HẾT CỬA "OM" QUỸ BẢO TRÌ

Bên cạnh đó, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư với số tiền là 820 triệu đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân.

Ông Tuấn nhấn mạnh cuộc thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại 22 nhà chung cư là tiếng chuông cảnh tỉnh với các chủ đầu tư. Theo đó, những chủ đầu tư đang có ý định "găm giữ" quỹ bảo trì 2% và chiếm dụng không gian sở hữu chung nhà chung cư sẽ bị xử lý nghiêm và buộc trả lại phần lấn chiếm.

Trong thời gian tới, công tác thanh tra tiếp tục được đảm bảo đúng quy định, không né tránh vấn đề phức tạp nổi cộm, chỉ đạo kịp thời những phản ánh của người dân, báo chí, đặc biệt tới đây sửa đổi Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực xây dựng theo Quyết định số 1734 của Bộ Xây dựng. 

Nhằm siết chặt việc quản lý kinh phí bảo trì, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Điều 37 quy định chi tiết về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về số tài khoản và số tiền trong tài khoản. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin này.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Trong trường hợp chủ đầu tư có tài khoản kinh doanh nhưng không còn tiền hoặc không còn đủ tiền để khấu trừ theo quy định thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan công an và cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư tại dự án nơi có nhà chung cư hoặc tại dự án khác để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate