June 27, 2022 | 17:46 GMT+7

Bộ Y tế đề xuất chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Nhật Dương -

Bộ Y tế vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế vừa có dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tại dự thảo, Bộ Y tế vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.

Bộ Y tế cho biết, theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Mỹ, bệnh "lưu hành" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Như vậy, một bệnh được coi là lưu hành khi có 4 nhóm tiêu chí là: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. 

Do đó, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hoặc chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành. Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mang tính linh hoạt và tiến dần tới trạng thái "bình thường mới".

Việc công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể cân nhắc khi WHO công bố hết tình trạng đại dịch hay sự kiện y tế công cộng đáng quan ngại trên toàn cầu và tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang coi bệnh Covid-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS- CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, tuy tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và vẫn có bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.

Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt như phòng chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.

Tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đưa ra 2 tình huống trong phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 – 2023

Trong đó, tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt...

Do đó, việc phòng chống dịch phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B nên các biện pháp đáp ứng chống dịch điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch mạnh, quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 biến đổi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate