Hiện tại, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tiêm vacicne tháng 11-12/2021 và năm 2022 trong đó đề cập rõ số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bản. Dựa trên báo cáo từ các tỉnh, thành phố, Bộ sẽ có kế hoạch tiếp cận và phân bổ lượng vccine đáp ứng đủ điều kiện tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi – cụ thể là vaccine do hãng Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 29/10.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc mở rộng triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi là chủ trương được đưa ra dựa trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà sản xuất vaccine, được thực hiện sau khi đạt được độ phủ vaccine nhất định ở người trưởng thành trên 18 tuổi.
“Chúng ta sẽ tiêm có lộ trình và trọng tâm, trước hết tiêm cho trẻ 16-17 tuổi và tại các khu vực có nguy cơ cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đề cập đến tính an toàn khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngay trong chiều 29/10, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn về việc liệu tiêm vaccine Covid-19 có phải là điều kiện để trẻ trở lại học trực tiếp tại trường hay không. Giải đáp nội dung này, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ, theo Nghị quyết 128 và Nghị quyết 4800, việc các trường học tổ chức dạy và học trực tuyến hay trực tiếp do UBND cấp tỉnh và thành phố Trung ương quyết định, tùy thuộc vào tình hình thực tế nhằm vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo chất lượng dạy và học.
Đề cập tới nguồn cung vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã tích cực ngoại giao vaccine. Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được trên 107 triệu liều vaccine và đã tiêm được 78 triệu liệu. Số vaccine còn lại đã được phân bổ về các địa phương và đang tiếp tục được triển khai cho người dân. Đối tượng được ưu tiên ở giai đoạn đầu là người trên 18 tuổi, trong đó đặc biệt là người trên 50 tuổi bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất.
Trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về vấn đề phí xét nghiệm Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện tại Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang làm việc để thống nhất ban hành một hướng dẫn chung về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
"Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 áp dụng với các cơ sở y tế khi thực hiện xét nghiệm cho người bệnh đến khám chữa bệnh, kể cả người có bảo hiểm y tế và người không có bảo hiểm y tế. Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành, đăng trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin. "Bộ Y tế đang cùng Bộ Tài chính đã dự thảo để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, trong điều kiện dịch, vẫn theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế như hiện nay".
Cũng tại hội thảo, một ý kiến cho biết việc thống nhất mã QR trong khai báo y tế hỗ trợ phòng chống dịch trên thực tế vẫn chưa thực sự “thống nhất” giữa các ứng dụng. Cụ thể, tại một số nơi, người dùng có ứng dụng VNEID của Bộ Công an vẫn phải tải thêm ứng dụng PC-COVID của Bộ Y tế để tiến hành khai báo y tế.
Giải đáp về vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết chủ trương thống nhất các ứng dụng phục vụ phòng chống Covid-19 đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quán triệt và các Bộ, ngành liên quan đang tiến hành triển khai trong thực tế.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Công an để khẩn trương triển khai việc này trong thực tế. Dự kiến tới ngày 1/11 tới sẽ thống nhất chung một mã QR quét được cả trên ứng dụng PC-Covid của Bộ Y tế và ứng dụng VNEID của Bộ Công An”, ông Đỗ Công Anh cho biết.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã giải thích các nội dung đáng chú ý của Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT. Tính đến ngày 29/10, đã có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.