June 19, 2021 | 22:34 GMT+7

Bộ Y tế thông tin về vaccine phòng Covid-19 của Sinopharm, Trung Quốc

Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 19/6, Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về việc phát triển vaccine phòng Covid-19 của Sinopharm, Trung Quốc.

Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2020, tháng 2/2020 Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG đã tiến hành nghiên cứu vaccine Covid-19 bằng công nghệ bất hoạt.

Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020 vaccine này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.

Ngày 23/6/2020, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.

Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine Covid-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.

Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.

Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.

Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%, trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.

Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng.

 
Sinopharm là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất tại Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Sinopharm đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vaccine Covid-19, mục tiêu trở thành nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới.

Ngày 3/6/2021, vaccine Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.

Tới nay, Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp.

Vaccine Sinopharm đã cung cấp tới hơn 70 quốc gia. Hiện tại đã có hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua vaccine của Sinopharm.

Vaccine Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vaccine này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Trung Quốc là một trong số ít các nước đã nghiên cứu thành công, đưa vào thử nghiệm và tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm nhất. Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vaccine ngừa Covid-19 sản xuất và tiêm chủng trong nước cũng như viện trợ, xuất khẩu cho các nước (trong đó có 2 loại vaccine của Sinopharm và Sinovac đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp).

Tính đến ngày 7/6/2021, Trung Quốc đã xuất khẩu và viện trợ 350 triệu liều vaccine cho các nước. Trong đó, xuất khẩu vaccine đến hơn 50 quốc gia; hoàn thành viện trợ cho 66 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế; cam kết cung cấp cho COVAX lô hàng đầu tiên 10 triệu liệu vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Ngày 8/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này đã cung cấp cho khu vực Đông Nam Á 100 triệu liều vaccine và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để Đông Nam Á phòng chống dịch bệnh.

Đến nay, các vaccine Trung Quốc chủ yếu được chuyển cho các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau đó là Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Phi.

Vaccine của Sinopharm đã được chính phủ Trung Quốc sử dụng viện trợ cho Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar, Pakistan... và bán cho Pakistan, Mông Cổ, các nước Trung và Đông Âu. Vaccine của SinoVac đã được bán cho hơn 30 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate