May 25, 2021 | 14:37 GMT+7

Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine cho Quỹ mua vaccine phòng Covid-19

Để thực hiện những chiến lược tiếp cận vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo…

Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp.
Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp.

Ngày 25/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

 

Tại lễ tiếp nhận, thông qua Bộ Y tế, đại diện 8 doanh nghiệp, tập đoàn đã trao 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể: Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vaccine; Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mục tiêu không những đảm bảo vaccine tiêm chủng trong năm 2021 mà còn những năm tiếp theo. Do đó, theo sáng kiến của Thủ tướng, thành lập Quỹ vaccine để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vaccine, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vaccine.

Đồng thời, vaccine phòng Covid-19 có giá thành khá cao, điều kiện bảo quản tương đối ngặt nghèo, nên việc tiếp cận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế.

Cùng với nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng tính tới chiến lược phát triển vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Hiện Bộ Y tế đã và đang tích cực làm việc với các đối tác và huy động một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Mục tiêu đến năm 2022 chúng ta sẽ có vaccine phòng Covid-19 “made in” Việt Nam.

Để đảm bảo an ninh vaccine, vấn đề phòng chống dịch trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các phương thức như đàm phán mua công nghệ, hợp tác về công nghệ, hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo mua và chuyển giao công nghệ, hiện nay đã có những tín hiệu khả quan.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, để thực hiện những chiến lược tiếp cận vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo. Do đó, việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vaccine là rất cần thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate