Bộ Y tế vừa có văn bản chấn chỉnh, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, quá trình thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc,...vẫn còn có những thiết sót, sai phạm.
CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU
Việc xây dựng và trình ban hành một số văn bản quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.
Những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do bất cập trong một số quy định như: Không được mua, bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua, bán; giá gói thầu được xác định từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, việc chưa kịp thời có giải pháp để giải quyết vướng mắc cũng dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư, bên mời thầu bị động, lúng túng trong việc tổ chức đầu thầu do tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra”.
Trên cơ sở thông báo kết luận thanh tra số 2323/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19; Báo cáo số 6071/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2022, và văn bản số 6601/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp về lựa chọn nhà thầu.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khi nhận hàng hoá nhập khẩu là trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm...từ nhà thầu phải bảo đảm đúng danh mục, chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, năm sản xuất, model, serial.
Đồng thời, có kèm theo tài liệu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, hồ sơ mời thầu, và theo hợp đồng được ký kết giữa các bên để chứng minh tính hợp lệ của hàng hoá nhập khẩu như: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá (C/Q), tờ khai hải quan, phiếu đóng gói, hoá đơn chứng từ, vận đơn, giấy chứng nhận phân tích (COA -Certificate Of Analysis)...
Cùng với đó, cần rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, tiêu chí mang tính chất chủ quan, không bảo đảm tính cạnh tranh. Từ đó, dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Một số nội dung gây hạn chế nhà thầu đã được Hệ thống e-GP ghi nhận như: Hồ sơ mời thầu quy định tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu; hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải đệ trình danh sách công nhân lao động khi tham gia dự thầu; hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu chỉ được lấy vật tư, vật liệu xây dựng trên 1 địa bàn cụ thể; yêu cầu có biên bản khảo sát hiện trạng có xác nhận của chủ đầu tư đối với đấu thầu qua mạng...
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐƠN VỊ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
Về giải pháp lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, và Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách, nhất là người đứng đầu những cơ quan, đơn vị nhiều năm liền có tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu thấp, có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý tình huống theo các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.
Tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tại các dự án quan trọng, trọng điểm, góp phần thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chủ động, khẩn trương xác định các dự án, gói thầu được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, thường xuyên, theo dõi, giám sát nội dung hồ sơ mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhằm phát hiện những gói thầu có biểu hiện thiếu công bằng, thiếu minh bạch, làm cơ sở để kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.