May 10, 2024 | 16:27 GMT+7

Bốn công ty khởi nghiệp Trung Quốc được coi là đối thủ với ChatGPT của OpenAI

Bốn công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo tạo sinh của Trung Quốc đang nỗ lực cạnh tranh với các đối tác Mỹ như OpenAI và Anthropic, bao gồm Zhipu AI, Moonshot AI, MiniMax và 01.ai đều được định giá từ 1,2 tỷ đến 2,5 tỷ USD trong ba tháng qua…

Bốn công ty khởi nghiệp Trung Quốc được coi là đối thủ với ChatGPT của OpenAI
Bốn công ty khởi nghiệp Trung Quốc được coi là đối thủ với ChatGPT của OpenAI

Những kỳ lân mới thành lập của Trung Quốc bao gồm Zhipu AI, Moonshot AI, MiniMax và 01.ai đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của một nhóm nhà đầu tư trong nước ngay từ khi mới thành lập, để củng cố tài chính nhằm tăng cường phát triển công nghệ đồng thời thuê những nhân tài giỏi nhất, theo Financial Times. 

Theo các chuyên gia, vì ChatGPT và các ứng dụng AI đột phá khác như Character.ai của Mỹ đều không có mặt tại Trung Quốc, điều này đã tạo động lực để hàng loạt các công ty trong lĩnh vực này ra đời tại quốc gia này nhằm tạo ra các giải pháp thay thế trong nước. Theo một thống kê của nhà cung cấp dữ liệu IT Juzi, Trung Quốc hiện có đến 262 công ty khởi nghiệp đang cạnh tranh để đưa ra các mô hình AI xuất sắc nhất. 

Trong 4 tháng đầu năm, các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đã huy động được tổng cộng 14,3 tỷ Rmb (2 tỷ USD), theo IT Juzi, bất chấp sự suy giảm đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiêu dùng khác. Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn chưa tiết lộ tất cả các vòng gây quỹ của họ, điều này có nghĩa 2 tỷ USD mới chỉ là con số bề nổi. 

Theo Financial Times, Trung Quốc hiện đã phê duyệt hơn 40 mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng AI liên quan, đồng thời xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ nhằm khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này thông qua giảm thuế và trợ cấp.

Zhipu AI

Zhipu AI có trụ sở tại Công viên Khoa học Đại học Thanh Hoa ở Hải Điến, Bắc Kinh, là một trong những công ty khởi nghiệp AI lớn nhất Trung Quốc. Ngay sau khi được thành lập, công ty này đã nổi lên nhanh chóng nhờ nhận được sự hỗ trợ từ Tencent và Alibaba, hai đối thủ nặng ký trong lĩnh vực công nghệ.

Mới đây, sau vòng gây quỹ mới nhất vào tháng 3, Zhipu AI hiện được định giá đến 18 tỷ Rmb (2,5 tỷ USD). Zhipu AI được các nhà quan sát nhận định là công ty khởi nghiệp AI đầy hứa hẹn của Trung Quốc về phát triển mô hình AI được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ. Công ty khởi nghiệp AI hướng tới phát triển những mô hình các trợ lý AI được thiết kế riêng cho từng lĩnh vực bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và công ty công nghệ. 

Moonshot AI

Moonshot, được thành lập bởi Yang Zhilin, cựu sinh viên của người sáng lập Zhipu. Công ty này được định giá 2,5 tỷ USD trong vòng đầu tư 1 tỷ USD được công bố vào tháng 2. Trước đây, nhà sáng lập của công ty này đã thực tập tại Google Brain AI và Meta AI, đồng thời thành lập một công ty khởi nghiệp có tên Recurrent AI chuyên phân tích các cuộc gọi của nhân viên bán hàng.

Chatbot Kimi của Moonshot, có biệt danh từ tên tiếng Anh của nhà sáng lập Yang Zhilin, đã nổi lên như đối thủ ngang tầm với Ernie Bot của gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc Baidu. Kimi đã có 12,6 triệu lượt truy cập trong tháng 3 so với 14,9 triệu lượt truy cập của đối thủ cạnh tranh lâu đời hơn, theo nhà cung cấp dữ liệu Aicpb.com. Theo nhiều đánh giá, Kimi hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mô hình của gã khổng lồ Tencent. Tuy nhiên, cũng chính vì người dùng đổ xô vào sử dụng quá nhiều đã khiến chatbot này ngừng hoạt động trong hai ngày vào tháng 3 vừa rồi. 

MiniMax

MiniMax có trụ sở tại Thượng Hải hiện được định giá 2,5 tỷ USD sau vòng cấp vốn 600 triệu USD vào tháng 3.

Năm 2021, MiniMax được thành lập bởi các cựu nhân viên của SenseTime Group Inc., một trong những công ty AI lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Yan Junjie, cựu phó chủ tịch của công ty. Công ty tập trung vào trải nghiệm AI xã hội và phát triển những người bạn đồng hành AI cũng như các nhân vật ảo mà người dùng có thể tương tác, chẳng hạn như các nhân vật trong trò chơi điện tử và hoạt hình với tính cách tương tác riêng. 

O1.ai 

01.ai, đã ra mắt một loạt mô hình nguồn mở có tên Yi, được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc và được xây dựng trên kiến trúc Llama của Meta. Hugging Face, công ty theo dõi các mô hình nguồn mở, đã xếp hạng cao cho mô hình Yi về khả năng suy luận thông thường, toán học, mã hóa và đọc. 

01.ai cũng đã ra mắt một chatbot năng suất có tên Wanzhi. Công ty khởi nghiệp AI gần đây đã thực hiện một vòng gây quỹ với mức định giá 1,2 tỷ USD, theo một người có hiểu biết trực tiếp về thương vụ này và nhận được sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures, Shunwei Capital, Xiaomi và Alibaba Cloud của Lee.

Cả bốn công ty này đều gọi vốn thành công ty từ Alibaba, vốn nổi tiếng là nhà tài trợ chính cho các công ty khởi nghiệp về AI. Ngoài nguồn tài trợ đầy đủ, các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc nhận thấy họ có cả tài năng kỹ thuật cần thiết để tung ra các sản phẩm cạnh tranh và đủ nguồn lực điện toán để đào tạo các mô hình hiện có – bất chấp các hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu chip tiên tiến.

“Các công ty điện toán đám mây Trung Quốc có đủ kho GPU Nvidia được mua trước khi có lệnh cấm các công ty khởi nghiệp thực hiện đợt đào tạo mô hình này”, một nhân viên tại một công ty khởi nghiệp AI nói với Financial Times. 

Theo nguồn tin từ Financial Times, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc hiện định hướng phát triển các sản phẩm yêu cầu ít sức mạnh tính toán hơn. Họ nói thêm rằng tài nguyên máy tính hạn chế là lý do chính khiến nhiều công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc dựa vào các mô hình nguồn mở như Llama của Meta để xây dựng các mô hình và ứng dụng của riêng họ.

Một chuyên gia của Forrester cho biết: “Các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đang thực hiện rất nhiều nghiên cứu và phát triển dựa trên kiến trúc nguồn mở, sau đó tinh chỉnh mô hình và đóng góp cho hệ sinh thái tổng thể. Hiểu đơn giản những công ty khởi nghiệp này không cần thiết kế mô hình và xác thực kiến trúc, vốn rất tốn tài nguyên”.

Mỹ và Châu Âu hiện đang cắt giảm mức lương tại một số vị trí liên quan đến phát triển AI, điều này đang tạo điều kiện để Trung Quốc dễ dàng chiêu mộ nhân tài hơn. Theo đó, một tiến sĩ khoa học máy tính tốt nghiệp từ một trường đại học Trung Quốc có thể kiếm được từ 80.000 đến 240.000 USD mỗi năm tại một công ty khởi nghiệp lớn, một mức cao hơn khoảng bốn lần ở Thung lũng Silicon.

Như một nhà đầu tư công nghệ sâu ở Trung Quốc đã nói: “Bản thân các công ty Trung Quốc không giỏi về công nghệ cơ bản. Nhưng họ rất giỏi trong việc nhìn ra các xu hướng của ngành, và làm mọi cách để theo đuổi thành công những xu hướng mới”. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate