Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững” và Công bố vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam 2023 do Tạp chí kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 6/10/2023, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã có những chia sẻ quan điểm về mô hình kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP, có bốn điểm chính các quốc gia cần tập trung trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ nhất, các mô hình kinh tế mới cần phản ánh các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng, hợp tác đa phương và bền vững môi trường.
Chúng ta đang sống trong thời đại có thể nói là “thập kỷ mất mát” về tăng trưởng như World Bank từng đề cập. Một số nguyên tắc chủ chốt về mô hình kinh tế mới đầu tiên phải là nguyên tắc vận dụng từ năm 2000 trong mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, dựa một cách chắc chắn vào tính bình đẳng giữa các quốc gia với quốc gia và giữa con người với nhau.
Tầm nhìn chung về một xã hội công bằng không ai bị bỏ lại phía sau, tất cả mọi người phải được trao những cơ hội như nhau dù xuất thân từ tầng lớp nào, cha mẹ là ai, khu vực nào. Tính bền vững cần tập trung vào biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, rác thải nhựa; rừng và đa dạng sinh học.
Thứ hai, để đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 sẽ cần phải tái cân bằng từ tiêu dùng sang đầu tư.
Chúng ta sẽ phải đầu tư nhiều hơn, tiêu dùng ít hơn, tiêu thụ ít đi. Theo tính toán từ Cơ quan Năng lượng quốc tế, đầu tư toàn cầu phải tăng từ 2 nghìn tỷ USD lên 5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đầu tư xanh cuối cùng sẽ tạo ra lợi nhuận dương, nhưng yêu cầu về vốn trả trước rất lớn. Gánh nặng này cần được chia sẻ bởi doanh nghiệp, Chính phủ và các hộ gia đình, tất cả mọi người sẽ cần đầu tư nhiều hơn.
Các hộ gia đình đầu tư bằng cách sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn và phải thay đổi như tìm cách sưởi ấm gia đình mình ra sao, chứ không chỉ riêng doanh nghiệp hay Chính phủ; nhưng đồng thời, Chính phủ cần có chính sách để động viên, khuyến khích hộ gia đình thay thế tiêu dùng ngắn hạn bằng khoản đầu tư dài hạn hơn cho tương lai xa.
Chúng ta sẽ tiết kiệm hơn, hiệu suất cao hơn, thông minh hơn trong cách tiêu dùng, tiêu thụ của mình. Chính phủ tạo ra các ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, khuyến khích đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng bền vững; không khuyến khích đầu tư ngắn hạn, lãng phí.
Chúng ta cũng phải loại bỏ vấn đề trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Trợ cấp liên quan đến nhiên liệu hóa thạch (cả hiển hiện và ngấm ngầm) đã lên tới 7 nghìn tỷ USD, tương đương 7,1% GDP toàn cầu vào năm 2022. Trợ giá nhiên liệu hóa thạch thực chất không mang tính bền vững và lãng phí, người ta sẽ có xu hướng không dùng nhiều năng lượng tái tạo, vì vậy chúng ta cùng chung tay để loại bỏ mục tiêu trợ giá nhiên liệu hóa thạch.
Loại bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm lượng khí thải CO2 xuống 43% so với mức cơ bản năm 2030 thấp hơn 34% so với lượng khí thải năm 2019 và sẽ giúp các chính phủ trên thế giới tiết kiệm được 4,4 nghìn tỷ USD.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trợ giá này cũng chiếm 10% GDP vào năm 2022 và năm 2023 cũng tương đương như thế. Tóm lại, không có con đường nào đạt được phát thải ròng bằng 0 mà không liên quan đến việc loại bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch.
Thứ ba, công nghệ, nghiên cứu và phát triển và giáo dục, bao gồm cả giáo dục bậc cao, đóng vai trò trung tâm trong tái cấu trúc kinh tế.
Khai thác sức mạnh của khoa học và đổi mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và đại dịch. Chúng ta sống trong thời đại mà nhiều người, đặc biệt khu vực phương Tây, đang mất niềm tin vào khoa học từ sau khi Covid-19 đặt ra các vấn đề liên quan tiêm chủng vaccin.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải đối diện với thách thức, tiếp tục đầu tư vào khoa học, đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, gồm cả giáo dục cấp cao; nghiên cứu kết hợp với sự sẵn sàng chia sẻ công nghệ nhiều hơn của các nước tiên tiến; công nghệ năng lượng tái tạo không thể trở thành đặc quyền của người giàu. Với Việt Nam, so sánh với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó có nghiên cứu và phát triển phù hợp.
Thứ tư, chia sẻ gánh nặng là một thách thức cơ bản cả trong và giữa các quốc gia.
Thời gian qua, các nước phát triển đã không tôn trọng các cam kết tài chính theo Thỏa thuận Paris để thực hiện thích ứng và giảm thiểu vấn đề về biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển từ sau Covid-19 có mức nợ Chính phủ cao.
Chúng ta có nhiều cách thức để giúp các quốc gia này nâng được phân bổ của họ về ngân quỹ cho các mục tiêu này, chẳng hạn như tìm ra những nguồn ngân quỹ song phương cũng như đa phương. Ví dụ với Việt Nam có thể tìm đến nguồn vay từ World Bank. World Bank có thể tăng số lượng cho vay của mình thông qua các khoản như trái phiếu.
Khoảng cách giữa nguồn lực sẵn có và nhu cầu đầu tư vẫn còn rất lớn, nên cần quan tâm tới cả nguồn lực trong nước. Với quốc gia như Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn còn dựa khá nhiều vào một số nguồn như ngân hàng. Với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, nguồn tiền hầu hết là tiền gửi ngắn hạn của dân, vậy với những khoản cần vay dài hạn thì tính thế nào?
Chính phủ phải tăng cường nguồn cung từ việc phát hành trái phiếu, chương trình phát triển Liên hợp quốc khuyến nghị Việt Nam tìm hiểu ý tưởng xây dựng ngân hàng khí hậu khu vực công, hợp tác cùng các bên cho vay nước ngoài, có thể là phục vụ khoản vay của Việt Nam cho nội dung liên quan đến khí hậu.