Trong phần lớn thời gian của năm 2020 và 2021, Trung Quốc theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát hoạt động vay nợ trong lĩnh vực bất động sản. Kết quả là trong 2021, Trung Quốc đã giảm được 10 điểm phần trăm trong tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) – một mức độ giảm chưa từng có kể từ giai đoạn 2003-2007, theo báo cáo của Morgan Stanley được hãng tin CNBC trích dẫn.
Tuy nhiên, theo ngân hàng đầu tư này, “tốc độ thắt chặt đã cho thấy là quá đà, xét tới bối cảnh đà phục hồi của tiêu dùng bị ghìm lại do làn sóng biến chủng Delta và do Trung Quốc theo đuổi chiến lược zero Covid – nhân tố khiến tiêu dùng ở nước này thấp hơn so với xu hướng”.
Dù vậy, Morgan Stanley “lạc quan hơn dự báo chung” và cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tăng tốc lên 5,5% trong năm 2022.
Giới phân tích nói chung tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong 2022. Ngân hàng Đức Deutsche Bank dự báo mức tăng trưởng khoảng 5%, trong khi ngân hàng Nhật Nomura dự báo mức tăng 4,3%. Ngoài ra, các nhà phân tích gần đây cũng mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2021, về khoảng từ 7,7-8,8%.
Có 4 lý do khiến Morgan Stanley tin nền kinh tế Trung Quốc sẽ “cất cánh” trở lại trong năm nay:
Thứ nhất, chính sách của Trung Quốc đã ngừng thắt chặt.
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã tạm dừng các nỗ lực giảm nợ và thay vào đó, bắt đầu nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khoá trong mấy tuần gần đây. Các động thái này bao gồm hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và một lần hạ lãi suất để tăng cường thanh khoản trong nền kinh tế. Cùng với đó là chỉ đạo tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, người mua nhà, doanh nghiệp địa ốc, cùng nhiều đối tượng khác.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng thanh khoản trong ngành bất động sản Trung Quốc sẽ dịu bớt.
Trong nửa cuối năm ngoái, ngành địa ốc Trung Quốc chìm vào một cuộc khủng hoảng nợ, khi chiến dịch giảm nợ mà Chính phủ nước này triển khai bắt đầu có ảnh hưởng. Việc Bắc Kinh vạch ra “ba giới hạn đỏ” đã hạn chế mức vay nợ trong tương quan với dòng tiền, tài sản và mức vốn của doanh nghiệp bất động sản. Những hạn chế này là trở ngại lớn đối với các “đại gia” địa ốc Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên vay nợ.
Tháng 12 vừa qua, China Evergrande Group – công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ - đã bị các tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn gọi là vỡ nợ. Nhiều doanh nghiệp phát triển địa ốc khác của Trung Quốc cũng có dấu hiệu căng thẳng. Một số đã trễ hạn trả nợ, một số khác cũng bị gọi là vỡ nợ như Evergrande.
Cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản khiến niềm tin của người mua nhà suy giảm, dẫn tới doanh số bán nhà lao dốc thảm hại.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng cuộc khủng hoảng này sắp tới sẽ dịu đi nhờ sự điều chỉnh chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Chẳng hạn, các ngân hàng thương mại nước này gần đây đã được chỉ đạo tăng cường cho vay đối với người mua nhà và giảm lãi suất các khoản vay. Một số địa phương cũng bắt đầu nới bớt các hạn chế đối với người mua nhà. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa ra một quy trình tái cơ cấu nợ có kiểm soát để hạn chế bớt các rủi ro liên quan đến việc vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản.
Cú sốc niềm tin đối với nhà đầu tư đã khiến dòng tiền của các công ty địa ốc Trung Quốc bị thắt lại. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo các công ty phát triển nhà được đáp ứng đủ nhu cầu vốn – theo Morgan Stanley. Các biện pháp này bao gồm chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay đối với ngành bất động sản và nới lỏng các hạn chế về phát hành trái phiếu trong nước.
Thứ ba, Trung Quốc đặt ra các mục tiêu bớt tham vọng hơn về năng lượng trong năm 2022.
Hạn chế đối với nhập khẩu than từ Australia, kế hoạch của Bắc Kinh về giảm khí thải carbon, và hoạt động xuất khẩu bùng nổ là những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng cắt điện ở Trung Quốc trong năm ngoái.
Morgan Stanley cho rằng các mục tiêu về năng lượng để giảm tiêu thụ điện của Trung Quốc xem ra đã quá cao, vì tăng trưởng GDP của nước này còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất công nghiệp. “Tuy nhiên, khi vấn đề thiếu than để phát điện trở nên căng thẳng, các nhà hoạch định chính sách đã can thiệp nhanh chóng và hiệu quả”, báo cáo viết.
Các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Mỹ dự báo Trung Quốc sẽ điều chỉnh các mục tiêu năng lượng trong năm 2022. “Chúng ta đã chứng kiến sự dịch chuyển nhanh chóng về hoạt động sản xuất và sản lượng than, với hàng loạt mỏ than được mở lại và các nhà sản xuất điện được phép tăng giá bán điện để bù đắp sự gia tăng của chi phí đầu vào”, báo cáo nêu.
Thứ tư, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.
Theo Morgan Stanely, chiến lược zero Covid của Trung Quốc đã giúp ngăn được gián đoạn trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, và thậm chí giúp nước này gia tăng được thị phần xuất khẩu toàn cầu. Ngân hàng này dự báo bối cảnh toàn cầu thuận lợi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Morgan Stanley, nếu những gián đoạn và nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được khắc phục trong 2022, thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu có thể giảm trở lại.